Cơ hội và thách thức từ dân số tăng tại Ấn Độ

VTV Digital-Thứ ba, ngày 25/04/2023 11:44 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, dân số Ấn Độ tăng nhanh sẽ là "con dao 2 lưỡi" đối với đất nước này.

Cơ hội và thách thức từ dân số tăng tại Ấn Độ

Tuần qua, sau nhiều tranh cãi về số liệu, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã lên tiếng và chính thức khẳng định, dân số Ấn Độ sẽ chỉ vượt Trung Quốc vào giữa năm nay thay vì những thông tin được các hãng truyền thông đăng tải. Khi đó dân số Ấn Độ sẽ đạt gần 1 tỷ 430 triệu người. Với vị thế quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã tận dụng quy mô dân số khổng lồ để thay đổi vị thế, vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Câu hỏi đặt ra là một khi vượt Trung Quốc về dân số, kinh tế Ấn Độ sẽ ra sao?

Nhiều dự báo lạc quan cho rằng, giờ không chỉ là "thập kỷ của Ấn Độ" mà còn là "thế kỷ của Ấn Độ". Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, New Dehli đang trên đà "tăng trưởng kinh tế chưa từng có" và sẽ giúp nước này vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, tức chỉ sau 4 năm nữa.

 Cơ hội và thách thức từ dân số tăng tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ tại một khu chợ. Ảnh: Japan Times

Chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này đang mang đến cho Ấn Độ những cơ hội và thách thức gì? Liệu có toàn màu hồng?

Dân số Ấn Độ đã tăng nhanh hơn nhiều những gì thế giới có thể hình dung. Năm 2000, các dự báo cho rằng dân số Ấn Độ sẽ chỉ có thể vượt Trung Quốc vào năm 2045. Cách đây hơn 5 năm, dự báo được rút ngắn, nhưng vẫn cho rằng cũng phải đến 2027 dân số Ấn Độ mới vượt Trung Quốc. Quỹ dân số Liên Hợp Quốc đã chính thức khẳng định việc Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đã ở trước mắt.

Đáng chú ý hơn, theo Thời báo Ấn Độ, Ấn Độ sẽ không chỉ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, mà còn là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới. Một nửa dân số Ấn Độ hiện nay là dưới 30 tuổi. 2/3 ở độ tuổi từ 15 - 64. Một dân số vừa trẻ, lại đông dĩ nhiên sẽ mang lại cho nền kinh tế những ưu thế trong cả nguồn lực sản xuất lẫn tiêu thụ hàng hóa dịch vụ và thúc đẩy đổi mới.

Với một dân số với đông đảo người ở trong lực lượng lao động như vậy, dù đã có việc hay đang thất nghiệp cũng sẽ tất yếu khiến cho các hoạt động của nền kinh tế trở nên sôi động hơn. Dân số trẻ, đông đảo, lại có một nền kinh tế hội nhập cao độ, với việc sử dụng tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức, Ấn Độ đặt mục tiêu sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong vòng chỉ 4 - 5 năm nữa.

Cụm từ "Thế kỷ của Ấn Độ" cũng được một số trang báo nhắc đến vì lẽ đó. Nhưng bên cạnh những cơ hội, theo thời báo Kinh tế Ấn Độ, để giữ được tỉ lệ việc làm của nền kinh tế ở mức lành mạnh, Ấn Độ sẽ phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới trước năm 2030.

Ngoài ra, dân số đông, nhưng theo trang báo Al Jazeera 45% lực lượng lao động của Ấn Độ lại đang hoạt động trong các ngành nghề chỉ đóng góp được có khoảng 20% GDP cho nền kinh tế.

Các số liệu cho thấy mật độ dân số của Ấn Độ hiện gần 500 người trên 1 km2. Dân số Trung Quốc cũng 1,4 tỷ người, xấp xỉ Ấn Độ, nhưng mật độ dân số hiện nay chỉ bằng 1/3 Ấn Độ. Điều này cũng có nghĩa là tài nguyên dành cho cuộc sống của người Ấn Độ hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Trong khi đó, sự đóng góp vào nền kinh của nữ giới, tức một nửa dân số tại Ấn Độ lại còn đang thấp hơn khá nhiều quốc gia. Nếu như ở Trung Quốc, nữ giới chiếm gần 45% lực lượng lao động thì Ấn Độ, nữ giới chỉ chiếm được 1/5 lực lượng lao động. Trong khi một báo cáo của McKinsey ước tính rằng, nếu lực lượng lao động nữ tại Ấn Độ có thể tăng thêm 10% sẽ tạo ra cho nền kinh tế tới hơn 550 tỷ USD.

Áp lực kinh tế Ấn Độ trước sự bùng nổ dân số

Với lực lượng lao động trẻ lớn nhất thế giới, lại biết tiếng Anh, chi phí lao động còn thấp… đây là những lợi thế mà các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể bỏ qua khi rót vốn vào Ấn Độ.

Trở thành "công xưởng" mới và nắm giữ vai trò nổi bật trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang là mục tiêu lớn của Ấn Độ - quốc gia có vị trí trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ấn Độ hiện đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều đối tác lớn như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để thu hút các "đại bàng" về làm tổ, kéo theo đó là hàng tỷ USD đầu tư, nhiều chính sách đã được đầu tư nước ngoài đã được đề ra như ưu đãi thuế, đầu tư gần 1.500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, ưu tiên quỹ đất sạch…

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp về công nghệ thông tin cũng là lợi thế mà Ấn Độ có. Nếu như năm 2016, nước này chỉ có 452 công ty khởi nghiệp thì con số này năm ngoái đã là 84.000 công ty, tăng 185 lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dân số tăng nhanh cũng sẽ là "con dao 2 lưỡi". Bùng nổ dân số cũng sẽ gây áp lực vô cùng lớn lên cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục…

 Cơ hội và thách thức từ dân số tăng tại Ấn Độ - Ảnh 2.

Nỗi lo thiếu việc làm khi dân số tăng trưởng quá nhanh là một trong các thách thức lớn với kinh tế Ấn Độ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Economic Times)

Một gia đình có từ 5 đến 10 người - đây là những gì thường thấy tại đất nước tỷ dân Ấn Độ. Chẳng hạn như vợ chồng anh Chaitu có 9 đứa con. Với mức thu nhập chỉ vào khoảng 6 USD (khoảng 140 nghìn đồng), áp lực kinh tế thật sự là rất lớn với 2 vợ chồng.

"Tôi không thể bỏ 9 đứa để đi làm. Chăm sóc chúng cũng mất cả ngày, nào là tắm, giặt quần áo và cho ăn", chị shajahan Khatoon chi sẻ.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đang có xu hướng tăng trở lại, đạt 7,8% trong tháng 3. Khi có nhiều người cần bảo đảm nhu cầu thực phẩm, nước uống thì khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của mỗi người là bài toán nan giải. Bên cạnh đó, thanh niên Ấn Độ cũng đang gắp phải nhiều thách thức trong việc tiếp cận giáo dục, tìm kiếm việc làm thu nhập cao, bất bình đẳng giới…

Bà Rachel Snow - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết: "Chúng tôi kêu gọi huy động các khoản đầu tư cần thiết vào giáo dục, tạo việc làm, bình đẳng giới. Qua đó tạo cơ hội cho một lực lượng lao động có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế".

Dự báo dân số Ấn Độ sẽ tăng liên tục trong 4 thập kỷ tới, đạt ngưỡng 1,7 tỷ người trước khi giảm. Với lực lượng lao động trẻ đông nhất thế giới, nếu Ấn Độ có thể khai thác triệt để lợi thế này thì kinh tế sẽ cất cánh ki đó áp lực về quy mô dân số tăng sẽ giảm dần.

Cơ hội '1 lần trong đời' khi Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới Cơ hội "1 lần trong đời" khi Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng, nếu nắm bắt được lợi thế dân số, quốc gia Nam Á này có thể đạt được những bước tiến mới trong phát triển kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước