Cơ hội xuất khẩu ngũ cốc của Nga

Nhật Linh - Khắc Long (Thường trú Đài THVN tại Nga)-Thứ ba, ngày 26/07/2022 14:14 GMT+7

VTV.vn - Ngày 22/7, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã ký một thỏa thuận ngũ cốc tại Istanbul, tạo ra một hành lang cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Việc khởi động lại các chuyến hàng ngũ cốc từ Ukraine, nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới, sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp lương thực toàn cầu và ngăn chặn những lo ngại gia tăng về an ninh lương thực. Ngay lập tức báo chí và dư luận Nga cùng đặt ra một câu hỏi: "Đổi lại chúng ta được gì?"

Báo chí Nga cho biết, theo các điều khoản của "Thoả thuận ngũ cốc" được ký kết tại Istanbul, các hạn chế gián tiếp áp đặt đối với ngũ cốc và phân bón của Nga sẽ phải được dỡ bỏ. Đối với nông dân Nga, đây là cơ hội để nhận 26 tỷ USD trong năm nay - 14 tỷ USD từ ngũ cốc và 12 tỷ USD từ phân bón.

Theo Bộ Nông nghiệp Liêng bang Nga, nông dân Nga đã thu hoạch được 30 triệu tấn ngũ cốc trong vụ mùa qua, sản lượng cao hơn một phần tư so với năm ngoái. Dự báo, vụ thu hoạch ngũ cốc ở Nga năm 2022 có thể đạt 130 triệu tấn, trong đó có kỷ lục là 87 triệu tấn lúa mì.

Tờ Độc Lập cho biết, Nga đang mở rộng các kho chứa ngũ cốc, nhưng việc mở kho dự trữ quá nhiều có nguy cơ làm giảm giá trên thị trường nội địa. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu giảm và dự trữ ngũ cốc trong nước tăng.

Ngũ cốc không phải là dầu cũng không phải là kim loại. Việc bảo quản kèm theo tổn thất, bởi vậy có lợi hơn đối với Nga không phải là tích trữ mà là nối lại hoạt động xuất khẩu.

Với vụ thu hoạch kỷ lục dự kiến, số quốc gia mua lúa mì của Nga đã giảm một nửa - xuống chỉ còn mười hai. Mặc dù vậy, xuất khẩu lúa mì trong 15 ngày đầu tiên của mùa vụ nông nghiệp mới, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, đã tăng gần gấp đôi - đạt 1,2 triệu tấn so với 637 nghìn tấn cùng kỳ năm ngoái.

Nga sẽ giảm thuế xuất khẩu lúa mì từ ngày 27/7 để gia tăng lượng ngũ cốc xuất khẩu. Hiện Nga đang áp thuế xuất linh hoạt đối với lúa mì, ngô và lúa mạch, theo cơ chế mà những doanh nghiệp bán hàng phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Sở giao dịch Moscow. Điều này giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá cả trên thị trường toàn cầu đối với ngành nông nghiệp Nga cũng như chỉ số giá tiêu dùng.

Từ ngày 1/7, Nga đã mở rộng danh sách các mặt hàng xuất khẩu phải thanh toán bằng đồng rúp, trong đó có ngũ cốc. Theo giới chuyên gia, không có gì có thể thay thế được lúa mì Nga, khi Nga vẫn nằm trong 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới cùng với Mỹ, Canada, Pháp và Ukraine.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước