Thỏa thuận hành lang vận chuyển ngũ cốc là một bước tiến tích cực đối với an ninh lương thực thế giới lúc này.
Thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Về cơ bản là thành lập một trung tâm điều phối chung để giúp Ukraine tiếp tục xuất khẩu lương thực, ngũ cốc từ các cảng biển của nước này ra thị trường nước ngoài.
Dù vậy nông dân Ukraine, những người sẽ đón nhận trực tiếp hiệu quả của thỏa thuận này, họ vẫn có rất nhiều lý do để chưa thể ăn mừng.
"Thỏa thuận này giống như chỉ mới là lễ đính hôn thôi chứ chưa phải đám cưới. Thỏa thuận không có nghĩa là ngày mai chúng tôi sẽ bán được ngay lập tức", ông Valeriy Kotenko, nông dân Ukraine, chia sẻ.
Thỏa thuận hành lang vận chuyển ngũ cốc là một bước tiến tích cực đối với an ninh lương thực thế giới lúc này. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Kể từ tháng 2, khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra, chi phí xuất khẩu bằng đường bộ đã tăng cao đáng kể, khiến lợi nhuận của những người nông dân như ông Valeriy bị sụt giảm. Thu nhập của ông đến từ lúa mì, lúa mạch và dầu hoa hướng dương, kể từ đó tới giờ đã giảm 2/3. Các cảng biển được mở trở lại sau thỏa thuận tại Istanbul sẽ không bù đắp cho những thiệt hại đó.
Chưa kể, còn khá nhiều khó khăn bủa vây những người nông dân Ukraine, chứ không chỉ chiến sự.
Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng diện rộng. Hạn hán gây ra những vết nứt lớn trên cánh đồng, gây ảnh hưởng tới cây trồng. Trong đó quan trọng nhất là ngô và hoa hướng dương.
Cuối cùng, tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nông nghiệp khiến nông dân Ukraine phải tạm dừng việc xuống giống vụ mùa thu.
"Hiện thời không có quỹ lưu thông dành cho nông nghiệp. Do chương trình định giá của chính phủ, ngũ cốc được đưa đến các kho chứa, chứ không có 1 kilogram nào được bán ra", bà Natalia Negulyaeva, chuyên gia nông nghiệp, nhận định.
Nhiều ý kiến về việc cung cấp các khoản vay ưu đãi và bảo lãnh của Nhà nước được đưa ra, nhưng thực tế hầu hết nông dân đều không nhận được khoản hỗ trợ.
Khó khăn đan xen khó khăn, sau khi thỏa thuận được ký kết, Ukraine lại phải lo tìm tàu vận tải và các đoàn thủy thủ sẵn sàng vận chuyển ngũ cốc. Để giải phóng ngũ cốc, Ukraine sẽ yêu cầu khoảng 400 tàu chở hàng rời nhằm vận chuyển càng nhanh càng tốt hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt.
"Chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm các tuyến đường thay thế để xuất khẩu ngũ cốc của mình, bằng xe tải, bằng tàu hỏa hoặc bằng đường sông", bà Alla Stayanova, Giám đốc Cục chính sách Nông nghiệp Ukraine, cho biết.
Khi xung đột mới bắt đầu, khoảng 2.000 thuyền viên có mặt ở các cảng Ukraine, nhưng hiện tại con số này chỉ còn khoảng 450. Thỏa thuận tại Istanbul được kỳ vọng mở nút thắt cổ chai ở các cảng biển của nước này, nhưng đây sẽ là một mục tiêu có khá nhiều trở ngại và chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sẽ có thời hạn 120 ngày và có thể gia hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!