Có nên loại bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 28/07/2023 15:34 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến đến từ doanh nghiệp và hiệp hội bày tỏ lo ngại việc loại bỏ phương pháp này có thể khiến dự án bị ách tắc, kéo dài thủ tục đầu tư.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 634 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất. Điểm nóng được quan tâm trên thị trường hiện nay là Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 44 về xác định giá đất và dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 quy định chi tiết phương pháp định giá đất đã loại bỏ phương pháp thặng dư. Rất nhiều ý kiến tranh luận, góp ý xung quanh đề xuất này đã được đưa ra từ Hội thảo Định giá đất phù hợp để khơi thông dự án do báo Đầu tư vừa tổ chức.

Khoảng 80% dự án hiện nay đang được định giá theo phương pháp thặng dư. Bởi vậy, tại hội thảo, nhiều ý kiến đến từ doanh nghiệp và hiệp hội bày tỏ lo ngại việc loại bỏ phương pháp này có thể khiến dự án bị ách tắc, kéo dài thủ tục đầu tư.

Có nên loại bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đề xuất giữ phương pháp định giá đất thặng dư để khơi thông pháp lý cho các dự án bất động sản. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí

Phương pháp thặng dư được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Khi lấy tổng doanh thu giả định trừ đi tổng chi phí đầu tư sẽ ra tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Ông Lê minh Kha - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Thiên Thai cho biết: "Chúng ta nên có nhiều phương pháp định giá để các địa phương áp dụng tuỳ từng tình huống cụ thể, nó thực tế hơn. Đều là các phương pháp phổ biến, có giá trị, sao chúng ta lại bỏ ra".

Với đề xuất loại bỏ phương pháp thặng dư, dự thảo mới chỉ còn 3 phương pháp định giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế có một số dự án được triển khai xây dựng tại các tỉnh thành xa, chưa từng có dự án nhà ở nào được phát triển trước đó để có giá so sánh.

Hoặc nếu có, áp dụng phương pháp so sánh có thể gây thất thu thuế cho Nhà nước, khi nhiều giao dịch nhà đất trên thị trường hiện nay thường có giá trong - giá ngoài hợp đồng, thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp từ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ, đặc biệt là vấn đề định giá đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước