Có nên thống nhất đầu mối quản lý nợ công?

Tài Phan (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 29/05/2017 20:22 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Luật quản lý nợ công sửa đổi cần thống nhất một đầu mối quản lý nợ công.

Ngày mai (29/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Với chỉ số nợ công hiện ở mức 63,5% GDP, nghĩa là gần chạm trần 65% mà Quốc hội cho phép, luật sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế mới để kiểm soát nợ công hiệu quả hơn. Liên quan đến thẩm quyền quản lý Nhà nước, Dự thảo được Chính phủ trình lần này vẫn giữ quy định là 3 bộ phối hợp quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, quan điểm được nêu ra trong báo cáo mới đây của Ủy ban Tài chính ngân sách là cần thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Hiện nay việc đàm phán vay nợ trong và ngoài nước thuộc trách nhiệm của 3 bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, trách nhiệm trả nợ thuộc duy nhất một đầu mối, là Bộ Tài chính. Một số ý kiến cho rằng như vậy là chưa gắn trách nhiệm đi vay và trách nhiệm trả nợ.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phân bổ vốn đầu tư công tức là chia vốn cho các địa phương, đơn vị. Bộ Tài chính thì cân đối ngân sách để giải ngân cho kế hoạch phân bổ đó.

Theo các chuyên gia, thực tế luôn có sự vênh giữa hai cơ quan này khi nhu cầu vốn thường vượt trội so với khả năng cân đối của ngân sách, hay nói đơn giản là có hiện tượng "vung tay quá trán". Vênh về số liệu còn dẫn đến đầu tư dàn trải, dự án treo, giải ngân nhỏ giọt.

Trước thực trạng phối hợp giữa các cơ quan quản lý nợ công chưa hiệu quả như mong muốn, nhiều ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Luật quản lý nợ công sửa đổi cần thống nhất một đầu mối quản lý nợ công.

Tháng 7 tới đây, khi Việt Nam sẽ dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế thì chi phí vay nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nợ công lại đang ở ngấp nghé mức trần của Quốc hội. Do đó, việc xây dựng một Luật quản lý nợ công có khả năng nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ hơn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia càng đặt nhiều kỳ vọng lên các đại biểu Quốc hội kỳ này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước