2 tháng đầu năm 2018, đã có hàng chục phiên cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được diễn ra với các tên tuổi như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)… và thu về cho Nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong năm nay, còn có khoảng 64 doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong đó có những "ông lớn" như Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Bia Hà Nội (Habeco), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Ngay trong tháng 3 này, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro, thương vụ được quan tâm nhất trong tháng bởi doanh nghiệp này sở hữu 1 loạt "đất vàng" giữa thủ đô. Trong số 114 điểm kinh doanh đang thuộc quyền khai thác và quản lý của Hapro thì có 99 điểm thuê trả tiền hàng năm. 15 điểm đã trả tiền 1 lần. Còn 82 nhà thuộc sở hữu của công ty. 32 nhà đi thuê trả tiền hàng năm. Tuy nhiên, căn cứ vào nghị định mới nhất về cổ phần hóa, nhà đất thuê trả tiền hàng năm sẽ không được xác định giá trị doanh nghiệp, kể cả lợi thế vị trí và quyền thuê.
Vậy hơn 100 điểm nhà đất mà Tổng công ty Hapro đang quản lý và khai thác sau cổ phần hóa như thế nào? Liệu có để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng quỹ đất vàng trên hay không? Đại diện thành phố Hà Nội khẳng định, cổ phần hóa phải gắn với phương án sử dụng đất đúng mục đích, đồng thời khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý để không xảy ra tình trạng sử dụng nhà đất để trục lợi sau cổ phần hóa.
Đại diện Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Công ty mẹ Hapro cho biết, họ đã mất tới 2 năm chuẩn bị. Điều đó cho thấy, thành phố đã tiến hành thận trọng và chặt chẽ khi tiến hành cổ phần hóa. Theo đó, đã góp phần đã nâng giá trị doanh nghiệp sau khi định giá lại lên hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm trước định giá.
Giá trị của doanh nghiệp tăng cao, Nhà nước sẽ thu hồi được nhiều vốn hơn nhưng đó không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất là làm sao để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa? Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, biết tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp, đồng thời bổ sung những thiếu hụt của doanh nghiệp là điều cần thiết với bất kỳ vụ cổ phần hóa nào.
Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược quan trọng không chỉ ở việc bán hết, bán được giá mà còn phải tính tới việc đồng hành đường dài xây dựng doanh nghiệp phát triển hậu cổ phần hóa - đó mới là mục tiêu dài hạn nhất của các doanh nghiệp. Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa để hiệu quả còn cần phải gắn với nhiều yếu tố khác như minh bạch thông tin hay những vấn đề về thủ tục hành chính cũng cần nhanh gọn để lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước vừa sớm tới đích lại đạt hiệu quả cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!