Nhận định về xu hướng thị trường tuần này, một số công ty chứng khoán cho rằng, sự giằng co, phân hóa có thể vẫn sẽ tiếp diễn. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, VN-Index liên tục rung lắc và lực cầu luôn xuất hiện trở lại khi chỉ số chung chạm 1.055 - 1.060 điểm, thể hiện vùng điểm này vẫn đang là hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn.
Nhìn sâu hơn vào thị trường, dòng tiền đang nhen nhóm tại một số cổ phiếu đã "im hơi lặng tiếng" trong vài tháng qua, điển hình là các mã thuộc nhóm đầu tư công. Tuy nhiên, trước những thách thức về lãi vay và trích lập dự phòng của các doanh nghiệp ngành này, câu hỏi đặt ra là: Sóng đầu tư công có cơ hội trở lại hay không và đâu sẽ là nhân tố hút dòng tiền của các cổ phiếu?
Giai đoạn từ tháng 2 - 4 vừa qua là quãng chững lại của hầu hết các cổ phiếu đầu tư công. Một số nhà đầu tư thậm chí dán nhãn "đầu cơ" với các cổ phiếu này. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đi ngang, một số mã đã thu hút dòng tiền trở lại, từ đầu tháng 5 đến nay, LCG đã tăng 21%, C4G tăng 14,4%, HHV tăng 12,4% hay VCG tăng 9,5%. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu có tín hiệu tăng vượt đỉnh cũ, phá vỡ xu hướng đi ngang.
"Nhóm cổ phiếu đầu tư công đã phản ứng rất tích cực với thông tin thúc đẩy chính sách tài khóa. Với dòng tiền không đòi hỏi quá lớn ở nhóm này thì sớm muộn gì nhóm cổ phiếu này cũng sẽ vượt qua vùng tích lũy trong hơn 1 tháng trở lại đây", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá.
Việc lựa chọn doanh nghiệp không phải chỉ nhìn theo kỳ vọng doanh thu, mà đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích rõ sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng tương đối "nóng" trong khoảng thời gian ngắn cũng khiến giới đầu tư lúng túng khi chọn điểm mua. Mặt khác, theo các chuyên gia, việc lựa chọn doanh nghiệp không phải chỉ nhìn theo kỳ vọng doanh thu, mà đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích rõ sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.
"Với các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng, áp lực nợ vay là khá lớn. Nhà đầu tư phải đánh giá bức tranh về mặt năng lực tài chính của họ đến đâu. Họ có nguồn vốn thực sự mạnh mẽ không, quy mô lãi vay của họ có hỗ trợ gì về mặt lãi suất không...Nếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần vay truyền thống thì áp lực chi phí nợ vay tác động lên lợi nhuận khá lớn", ông Vũ Đức Nam, Sáng lập ART Investor, nhận định.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1 lần trong cuối quý I vừa qua, cao nhất có doanh nghiệp nợ lên tới 2,4 lần vốn chủ sở hữu, nhưng cũng có cả doanh nghiệp gần như không có vay nợ.
"Theo tôi được biết, có những dự án đang làm theo hình thức BT thì Chính phủ và các địa phương đang chuyển hướng không làm theo hình thức này nữa mà chuyển sang đầu tư công, lấy vốn ngân sách để đầu tư, đây cũng là một yếu tố giúp chúng ta có thêm điều kiện giải ngân vốn mạnh mẽ hơn trong những quý tới", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho hay.
Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt tối thiểu 95% kế hoạch, từ đó tạo ra lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
Theo dự báo, các doanh nghiệp đầu ngành đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu trong giai đoạn 2023 - 2025, nhưng mấu chốt là năng lực tài chính sẽ quyết định đến khả năng sinh lời của họ.
Chủ điểm đầu tư vẫn nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi khối ngoại vẫn tiếp diễn xu hướng bán ròng bluechip trong tuần qua, tổng giá trị đạt gần 2.400 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, áp lực bán ròng một phần xuất phát từ việc dòng vốn có xu hướng rút khỏi một số quỹ ETF thời gian gần đây. Điển hình là bộ đôi VNDiamond ETF và VN30 ETF của Dragon Capital.
Trong khi đó, Fubon ETF dù mới đi được khoảng 60% chặng đường của đợt gọi vốn bổ sung lần 5, nhưng đã cho thấy dấu hiệu giải ngân chững lại rõ rệt.
Ngoài ra, động thái bán ròng nhiều khả năng còn đến từ các quỹ chủ động khi trước đó đã "ôm" một lượng lớn cổ phiếu và gần như không còn dư địa tiền mặt để giải ngân thêm. Điển hình như VEIL - Dragon Capital, tỷ trọng tiền mặt của quỹ tại thời điểm đầu tháng 5 chỉ chưa đến 1,5% NAV, chỉ cao hơn đôi chút so với vùng thấp nhất lịch sử là 0,5 - 0,6%.
Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ mang tính chất thời điểm và dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận trong quý II này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!