Trong 1 năm qua, những khi thị trường chứng khoán giảm sâu, nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được mệnh danh là cổ phiếu vua, luôn đứng ra để gồng gánh đỡ cho đà rơi chung, tuy nhiên vẫn chỉ là vị vua thầm lặng, vì vẫn chưa thể ghi nhận đà tăng bùng nổ như nửa đầu năm 2021. Hiện có không ít cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá thấp nhất 1 năm qua.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm cổ phiếu vua vì quy mô vốn hóa của ngành này chiếm 30% vốn hóa của toàn thị trường, với lượng cổ phiếu lưu hành cũng như thanh khoản giao dịch rất lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được mệnh danh là cổ phiếu vua, luôn đứng ra để gồng gánh đỡ cho đà rơi chung. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Vì vậy, để cổ phiếu ngành ngân hàng có chuỗi tăng mạnh mà chúng ta vẫn gọi là sóng tăng một cách thuyết phục thì cần có sự đồng thuận của cả thị trường. Sự đồng thuận này cần phải đến từ sự đột biến vượt kỳ vọng trong hoạt động kinh doanh", ông Trần Đức Anh nói.
"Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2021, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta có kỳ vọng rất thấp vào ngành ngân hàng, tuy nhiên báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy ngành này có sự tăng trưởng vượt trội nhờ môi trường lãi suất thuận lợi. Dù vậy bước sang năm 2022, chúng ta đặt kỳ vọng cao vào ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi từ giai đoạn dịch COVID-19, vì vậy rất khó để kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng có thể vượt trội so với kỳ vọng vốn đã cao sẵn trong bối cảnh đã xuất hiện một số yếu tố rủi ro.
Do đó, tôi cho rằng này ngân hàng đang thiếu vắng những động lực, yếu tố thúc đẩy, yếu tố tạo đột biến để có thể tạo ra chuỗi tăng giá đủ dài mặc dù đây là ngành được kỳ vọng tăng trưởng tương đối tốt trong năm nay", ông Trần Đức Anh nhận định.
Khi cổ phiếu ngân hàng đi ngang trong gần 1 năm, với mức chiết khấu khá sâu, nhưng khi thị trường chung giảm mạnh vài tháng qua, nhóm này vẫn không là ngoại lệ.
Ông Đức Anh cho rằng, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, hầu hết các ngành đều có xu hướng điều chỉnh trên diện rộng, mặc dù ngành ngân hàng không phải là ngành có tính chất dẫn dắt, tuy nhiên trong những phiên thị trường có dấu hiệu điều chỉnh, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh mẽ ở những cổ phiếu dẫn dắt, cổ phiếu ngân hàng lại bất ngờ xuất hiện đóng vai trò trụ đỡ về mặt tâm lý lẫn điểm số.
Theo thống kê số mức tăng từ đáy của cổ phiếu ngân hàng, VPB đã hồi phục gần 10%, VCB 15%, TCB gần 20%, MBB gần 24%, CTG 28,8%. Đáng chú ý, BID gần 38%.
Có thể thấy, với vai trò trụ đỡ, nhóm này đã phục hồi trước thị trường. Động lực không nhỏ tới từ kết quả kinh doanh quý 2 khá ấn tượng. Theo tính toán, nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 33% so với cùng kỳ và con số này được đánh giá cao hơn so với kỳ vọng của thị trường trước đó, vốn đa phần dự báo tăng trưởng lợi nhuận cả năm chỉ đạt từ 20 - 25%.
Kết quả kinh doanh quý 2 nhóm ngân hàng vượt kỳ vọng
Quý 2 năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 7.423 tỷ đồng, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Không chỉ tăng trưởng doanh thu, mà chi phí hoạt động và tỷ lệ thu nhập lãi thuần NIM cũng được cải thiện đáng kể nhờ giai đoạn chuyển đổi số trước đó.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập trung bình toàn ngành đã giảm từ 35,6% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 34%. Thậm chí một số ngân hàng còn có mức lý tưởng dưới 30%. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt tới 9,4%, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt tới 9,4%, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đáng chú ý, ngoài thu nhập từ tăng trưởng tín dụng, thu nhập ngoài lãi còn ghi nhận nhiều đột biến hơn.
Từ đầu năm, nhiều ý kiến lo ngại quý 2 năm nay có thể là điểm rơi của nợ xấu, tuy nhiên thực tế cho thấy tỷ lệ nợ xấu chỉ nhích nhẹ và không có tác động đáng kể tới chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng.
Xét trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2 ấn tượng hơn cả.
Với tỷ trọng vốn hóa chiếm tới xấp xỉ 30% toàn thị trường, nhóm cổ phiếu vua sẽ luôn có tác động chi phối khá lớn tới diễn biến chung. Do đó, những bước tăng trưởng tiếp theo của thị trường chứng khoán sẽ không thể thiếu vắng các cổ phiếu ngân hàng.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những mức tăng trưởng ấn tượng trong các tháng cuối năm, nối dài đà phục hồi kinh tế của Việt Nam hậu đại dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng, với 1 trong những mức định giá hấp dẫn nhất thị trường hiện nay, vẫn là 1 trong những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ ghi nhận nhiều dấu ấn trong thời gian tới. Không đột biến, chậm nhưng chắc và phù hợp với những nhà đầu tư kiên nhẫn, có lẽ mô tả phù hợp cho các mã cổ phiếu vua thời điểm hiện tại.
Điểm sáng nhất của quý 2 là tăng trưởng tín dụng vượt trội thì nay hầu hết ngân hàng cũng đã sử dụng hết room. Điều này sẽ tác động ra sao tới động lực tăng trưởng của các ngân hàng trong những tháng tới?
Đâu là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục ghi dấu ấn lợi nhuận trong những tháng cuối năm, từ đó tiếp tục thúc đẩy mặt bằng giá cổ phiếu của nhóm này? Khả năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm nay và trong trung, dài hạn như thế nào?
Những thắc mắc sẽ được giải đáp trong phần tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính (20/8) với sự tham gia của ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!