Giá các cổ phiếu DN sản xuất phân bón trên sàn từ đầu năm 2018 đến nay đa phần đều đi xuống. DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí giảm gần 13%, DCM của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau giảm gần 17%, BFC của Công ty Phân bón Bình Điền giảm hơn 18%.
Một phần nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành này kém hấp dẫn nhà đầu tư là hơn 3 năm nay, mặt hàng phân bón bị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế VAT, khiến chi phí của doanh nghiệp tăng, giá thành cao, khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) trên sàn HSX, tổng số chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế VAT là 300 cho đến 370 tỷ đồng/năm. Trong 3 năm qua, kể từ khi phân bón bị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế VAT, tổng số tiền thuế không được khấu trừ thuế đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều phải hạch toán vào chi phí sản xuất.
Chi phí tăng đẩy giá thành tăng, tiêu thụ của phân bón sản xuất trong nước đã khó khăn lại càng khó hơn khi phân bón nhập khẩu được hưởng mức thuế suất bằng 0.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất phân bón trong nước để các DN này cơ hội cạnh tranh công bằng với phân bón nhập khẩu, đồng thời giảm giá bán cho nông dân, Hiệp hội Phân bón đưa ra một số đề xuất như đưa mức thuế suất về 5% như cũ, tạo sức ép trong nước phải cải tiến kỹ thuật, tinh giảm bộ máy tiết giảm chi phí, hạ giá thành… Chi phí các nhà máy cao hơn có khấu trừ đầu vào được sẽ cân bằng hơn.
Lãnh đạo DPM cho biết, nếu chính sách thuế VAT thay đổi như kỳ vọng, DPM có thể tiết kiệm 260 - 370 tỷ đồng mỗi năm và giảm được đáng kể giá thành và giá bán.
Theo giới phân tích, một khi giá bán giảm, tiêu thụ tốt hơn, không còn bị lép vế trước phân bón nhập khẩu, kết quả kinh doanh của các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ khả quan hơn, trả cổ tức cao và đều đặn, nhóm cổ phiếu phân bón chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!