Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/12/2024 17:02 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân hoặc chủ hộ kinh doanh có nợ thuế trên 50 triệu đồng trong thời gian 120 ngày.

Trong năm 2024, cơ quan thuế đã thu hồi hơn 4.200 tỷ đồng từ hàng ngàn trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Con số này cho thấy các biện pháp quyết liệt đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chưa có mức ngưỡng cụ thể về mức nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cơ quan thuế sẽ căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai có nợ thuế, dù số tiền lớn hay nhỏ, đều có thể bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gây ra những căng thẳng không đáng có.

Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 1.

Trong năm 2024, cơ quan thuế đã thu hồi hơn 4.200 tỷ đồng từ hàng ngàn trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Trước tình hình này, Bộ Tài chính mới đây đã soạn thảo và lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Khoản 9 Điều 6 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được Quốc hội thông qua. Theo dự thảo ban đầu, cá nhân hoặc chủ hộ kinh doanh nợ thuế trên 10 triệu đồng trong thời hạn 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến từ dư luận, mức này đã được điều chỉnh tăng lên 50 triệu đồng và thời hạn nợ là 120 ngày. Nếu quy định này chính thức được áp dụng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn cá nhân và hộ kinh doanh, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên có một ngưỡng cụ thể về thời gian và mức nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

"Mức nợ thuế áp dụng đối với cá nhân và hộ kinh doanh trước đây là 10 triệu đồng, nay đã được nâng lên 50 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, mức ngưỡng hiện tại là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, qua quá trình tham vấn ý kiến từ các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng mức này vẫn còn khá thấp so với thực tiễn kinh doanh. Chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia, và nhận thấy ngưỡng này thường được quy định cao hơn đáng kể. Do đó, đối với doanh nghiệp, mức ngưỡng này cần được điều chỉnh cao hơn để phù hợp với thực tiễn", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ những vấn đề liên quan đến thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp

Từ năm 2019, Luật Quản lý thuế đã quy định rõ về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, ngành thuế đã tăng cường áp dụng biện pháp này, dẫn đến số cá nhân và chủ doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua. Một số vụ việc không chỉ gây căng thẳng trong xã hội mà còn là bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2023, ngành thuế đã ban hành gần 59.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với tổng số tiền nợ thuế lên tới hơn 80 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hơn 35.600 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, với số nợ thuế gần 13 nghìn tỷ đồng. Nhờ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thu hồi được hơn 4.200 tỷ đồng từ 6.600 người nộp thuế, trong đó hơn 2.500 trường hợp thuộc diện bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thu được là 236 tỷ đồng.

Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 3.

Một trong những tiêu chí hàng đầu các chuỗi sản xuất lớn trên thế giới đưa ra là yêu cầu doanh nghiệp không có nợ thuế

"Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với không ít khó khăn, buộc họ phải xoay sở nhiều cách để duy trì hoạt động. Vì vậy, tình trạng nợ đọng thuế, thậm chí cả nợ giữa các doanh nghiệp với nhau, gia tăng đáng kể so với các năm trước. Bên cạnh đó, việc nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không cập nhật thông tin kịp thời cho cơ quan thuế. Điều này dẫn đến việc cơ quan thuế không thể kết nối hoặc liên lạc để thông báo. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ phát hiện mình bị tạm hoãn xuất cảnh khi nhận quyết định hoặc thậm chí khi đến sân bay mới biết. Đây là một trở ngại rất lớn và cũng là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định đang được thảo luận", ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho rằng, ngay cả đối với những trường hợp người nộp thuế chuyển địa chỉ mà không thông báo, cũng nên áp dụng ngưỡng nhất định. Việc họ không cập nhật địa chỉ có thể xuất phát từ những khó khăn khách quan hoặc trục trặc ngoài ý muốn, chứ không hẳn là do cố tình. Nếu khoản nợ thuế chỉ là những khoản nhỏ, chẳng hạn vài triệu liên quan đến thuế môn bài hay các khoản thuế khác không đáng kể, việc áp dụng biện pháp mạnh như cấm xuất cảnh, có thể là quá nghiêm khắc so với mức nợ thuế này. Vì vậy, kể cả trong trường hợp người nộp thuế chuyển địa điểm mà không thông báo, vẫn cần thiết lập một ngưỡng nợ thuế phù hợp để đảm bảo tính công bằng và tránh áp dụng các biện pháp quá mức so với tình hình thực tế.

"Tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp hiệu quả, nhưng nên được xem là giải pháp sau cùng. Trước đó, cần áp dụng các biện pháp khác như công khai danh tính cá nhân hoặc doanh nghiệp nợ thuế hay khấu trừ tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Hiện tại, cơ quan thuế đã có khả năng kết nối với hệ thống ngân hàng, qua đó xác định và thực hiện khấu trừ từ tài khoản của người nộp thuế. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp như tạm dừng sử dụng hóa đơn hoặc các chế tài hành chính khác. Vì vậy, việc xây dựng một lộ trình, các giải pháp ưu tiên là rất quan trọng", ông Tuấn nhận định.

Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 4.

Một trong những trường hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế còn nợ thuế nhưng cơ quan thuế chỉ áp dụng sau khi nhiều lần thông tin đến người nộp thuế và đã thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế khác mà chưa thu được thuế

Một trong những vấn đề vướng mắc dẫn đến nhiều người nộp thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh, là do mất kết nối thông tin thuế. Chẳng hạn, nhiều người nợ thuế không thể liên lạc được qua các địa chỉ thực tế hoặc địa chỉ thư điện tử mà họ đã đăng ký với cơ quan thuế. Vì vậy, việc chủ động kiểm tra thông tin thuế và giữ liên hệ với cơ quan thuế sẽ giúp người nộp thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đồng thời kịp thời nhận các thông báo từ cơ quan thuế, tránh rơi vào diện bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Cũng theo ông Tuấn, việc kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, đặc biệt là doanh nghiệp, thực sự là một vấn đề có lỗi từ cả hai phía. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm chủ động trong việc cập nhật thông tin và duy trì liên lạc với cơ quan thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động nắm bắt và quản lý thông tin của người nộp thuế. Hiện nay, ngành thuế đã trang bị các công nghệ thông tin rất hiện đại, như ứng dụng eTax Mobile và các phần mềm hỗ trợ, giúp việc theo dõi và quản lý thông tin thuế trở nên tiện lợi hơn. Cơ quan thuế có thể áp dụng những cảnh báo tự động về tình trạng nợ thuế theo thời gian. Ví dụ, khi một người nộp thuế quá hạn, hệ thống có thể gửi thông báo qua email, thư, tin nhắn hoặc ứng dụng di động để nhắc nhở họ về nghĩa vụ thuế.

Cơ quan thuế sắp áp dụng ngưỡng mới cho biện pháp tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 5.

Cơ quan thuế đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động nắm bắt và quản lý thông tin của người nộp thuế

"Cơ quan thuế cần tính đến trường hợp đặc biệt như lý do nhân đạo, chẳng hạn khi người nộp thuế phải đi chữa bệnh khẩn cấp. Trong những trường hợp như vậy, nếu áp dụng quy trình cứng nhắc, sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ngoài ra, cần có quy trình để người nộp thuế có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế ngay tại cửa khẩu, nhất là với những khoản nợ nhỏ. Cuối cùng, một quy trình khiếu nại công khai, minh bạch là rất cần thiết. Bởi bất kỳ quyết định nào cũng có thể gặp phải tranh cãi, việc có một hệ thống giải quyết khiếu nại hiệu quả sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên", ông Tuấn nhấn mạnh.

Dự kiến, Nghị định quy định chi tiết Khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Việc đưa ra các điều kiện cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời giúp cơ quan thuế thu hồi hiệu quả nguồn thu, đóng góp vào ngân sách và bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ thuế của mình để chủ động thực hiện. Bởi lẽ, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh chỉ là giải pháp cuối cùng, và không ai mong muốn. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng biện pháp này còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước