Người lao động cân lên đặt xuống khi quyết định đặt một suất cơm trưa.
Chị Phương Hà (TP Thủ Đức) làm việc cho một công ty xây dựng, thu nhập cơ bản chưa tới 10 triệu đồng/tháng. Bữa trưa của chị thường dao động từ 30 đến 70 nghìn đồng và thường đặt qua các ứng dụng giao đồ ăn để tiết kiệm thời gian nghỉ ngơi giữa giờ. Với mức chi phí tăng lên như hiện nay, chị Phương cho biết suất ăn của mình gần như tăng gấp đôi vì thế "mình cũng rất cân đo đong đếm giữa các app giao đồ ăn xem app nào có nhiều mã giảm giá hơn mới đặt đồ ăn".
Còn với chị Dung, (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) từ khi các chi phí theo giá xăng tăng theo, chị đã bắt đầu nấu nướng tại nhà để chuẩn bị các bữa ăn trong ngày để tiết kiệm tài chính. "Trước đây mình cũng đặt đồ ăn bên ngoài nhưng giờ giá thành tăng lên mắc quá nên mình quyết định nấu ở nhà mang theo cho tiết kiệm và điều chỉnh được lượng thức ăn. Hồi trước mỗi lần ăn khoảng 30-35 ngàn mà nay tăng lên tận 50 nghìn.
Người lao động cân lên đặt xuống trước khi quyết định gọi một suất cơm trưa, các quán ăn cùng vì thế mà ít khách hơn trước. Trong khi các chi phí đầu vào đều đã tăng lên so với vài tháng trước.
Trước đây, mỗi ngày bếp ăn của anh Đức cung cấp khoảng 150 suất trở lên nhưng sau khoảng thời gian giá cả tăng thì bếp ăn của anh chỉ còn dưới 100 suất mỗi ngày. Đặc biệt anh phải cân đo đong đếm và thay đổi món ăn mỗi ngày để giữ khách. "Hiện tại, tăng 20% nguyên liệu rau củ quả và bao bì cũng tăng. Trước đây khi đi chợ, nhập nguyên liệu mình không phải tính toán quá chi li về số lượng có thể là do chi phí lúc trước còn phù hợp mình có thể mua dư phải tính toán cân đo đong đếm cho mỗi ngày". Anh Nguyễn Hồng Đức - Quản lí bếp Anan Food chia sẻ.
Anh Nguyễn Hồng Đức - Quản lí bếp Anan Food
Hầu hết các chi phì đều tăng, nhiều nguyên liệu rau củ đã tăng gấp đôi so với hồi tháng 3 nên các cửa hàng kinh doanh quán cơm đều bị giảm lợi nhuận. Anh Đức cho biết thêm, với số lượng khách gọi đồ ăn giảm như hiện nay quán anh chỉ đạt lợi nhuận 5-7%. Giai đoạn trước lời từ 15-29%.
Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng qua giai đoạn bão giá hiện nay, nhiều quán anh gồng gánh bằng cách cắt giảm lợi nhuận, giảm tối đa chí phí khác như điện nước, giảm nhân viên, tìm các đối tác cung cấp khác để đa dạng nguồn hàng cũng như tự tìm đối tác giao hàng có chính sách hợp lý… Anh Nguyễn Trung Thừa- Chủ quán cơm tấm A Bốn, (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết như vậy, chứ không thể bớt khẩu phần và định lượng suất ăn.
Kinh doanh cơm văn phòng là dịch vụ ăn khách tại TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay, với mức chi phí đầu vào gia tăng nhanh thì các quán cơm cũng phải đối mặt với việc giảm lợi nhuận thậm chí chấp nhận huề vốn để giữ chân khách qua thời bão giá. Tuy nhiên, mức giá cả vẫn leo thang như hiện nay sẽ khiến các quán cơm văn phòng chỉ kìm giá được trong thời gian ngắn...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!