Ngăn lạm phát, chặn bão giá

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/05/2022 13:31 GMT+7

VTV.vn - Dù vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên đến thời điểm này, áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng và càng gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước.

Xu hướng lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu, Mỹ đang tăng cao. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh nhất trong hai thập kỷ và cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh đó, kết thúc 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát nhờ Chính phủ chủ động chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách được ban hành kịp thời, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ tháng 2; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ tháng 4.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,18% so với tháng 3 và nhích 2,09% so với tháng 12/2021 đồng thời tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2022 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng năm 2021. Có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.

Dù vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên, đến thời điểm này, áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng và càng gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước. Nhất là khi giá nguyên nhiên vật liệu của nhiều hàng hóa trên thế giới đều có xu hướng tăng. Chuỗi cung ứng và tổng cầu sau dịch bệnh cũng tăng cao cũng làm cho giá cả biến động theo, trong khi dư địa cho việc lạm phát dưới 4% không còn nhiều. Bởi vậy, kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả đang là một thách thức lớn đối với kinh tế trong nước.

Ngăn lạm phát, chặn bão giá  - Ảnh 1.

Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả đang là một thách thức lớn đối với kinh tế trong nước. Ảnh minh họa.

Dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% không còn nhiều

4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã vượt qua mốc 2%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng, nguyên nhiên liệu đầu vào trên thế giới vẫn đứng ở mức cao.

"Lạm phát ở Việt Nam cho đến nay vẫn được kiểm soát tốt nhờ 3 nguyên nhân. Thứ nhất là nhu cầu trong nước vẫn đang phục hồi sau những tác động của dịch bệnh. Thứ 2 là nỗ lực bình ổn trước tác động của giá năng lượng thế giới. Thứ 3 là giá lương thực tương đối ổn định. Nhưng áp lực lạm phát vẫn là rất lớn do sự leo thang của giá cả thế giới có thể đẩy chi phí sản xuất lên. Chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và nhanh nhạy trước những áp lực giá mới. Điều quan trọng trong giai đoạn này là khả năng dự đoán và bám sát diễn biến tăng giá quốc tế và trong nước. Làm sao để hạn chế được tăng giá nhiên liệu nhưng không làm tăng ồ ạt các loại mặt hàng", bà Era Dabla Norris - Vụ châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá.

Làm sao để hạn chế được tăng giá nguyên nhiên liệu và không để nó làm tăng ồ ạt các loại mặt hàng khác - đó cũng là thách thức không nhỏ được đặt ra cho việc điều hành kiểm soát lạm phát, kiềm chế giá cả lúc này.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng Cục thống kê cho biết: "Nền kinh tế của chúng ta phục thuộc khá nhiều về nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế và tác động vào chỉ số CPI".

"Có thể có những dư địa để chúng ta tiếp tục giảm. Việc giảm giá xăng dầu và giữ được lạm phát thấp để kích thích nền kinh tế sẽ kéo theo các nguồn thu khác ngoài nguồn thu xăng dầu, từ đó vẫn đảm bảo được mục tiêu thu ngân sách của Nhà nước", Tiến sỹ Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ngăn lạm phát, chặn bão giá  - Ảnh 2.

4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã vượt qua mốc 2%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Trong một tuyên bố gần đây, IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh châu lục này đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ với dự báo lạm phát tại châu Á sẽ tăng 3,2% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đây, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%.

Nhìn chung, đà phục hồi của Việt Nam trở nên ổn định. Quan trọng nhất là những trụ cột tăng trưởng kinh tế đã có sức bật nhanh trở lại với việc hấp thụ nhanh, hiệu quả từ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bài toán lúc này đó là sự thận trọng áp lực tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ tăng cao. Một trong những ưu tiên ngay là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới Việt Nam.

Nếu so sánh với các quốc gia trên thế giới thì áp lực lạm phát của Việt Nam tới đây sẽ như thế nào? Có còn dư địa từ các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ để chúng ta kìm hãm tác động của lạm phát, tăng giá cả hay không?

Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - đã có những phân tích, bình luận cụ thể!

Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ HSBC: Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát HSBC: Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát “Ghìm cương” lạm phát “Ghìm cương” lạm phát

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước