"Con át chủ bài" của Qatar khiến các nước vùng Vịnh lo ngại

Anh Quang (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 12/06/2017 15:31 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

VTV.vn - Khí thiên nhiên hóa lỏng chính là "át chủ bài" của Qatar trong hoàn cảnh căng thẳng tại Vùng Vịnh có thể gia tăng.

Mặc dù Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ ít nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC, với sản lượng chỉ khoảng 600.000 thùng/ngày. Nhưng sản lượng dầu nhẹ và khí thiên nhiên hóa lỏng của Qatar lại đạt tới 1,3 triệu thùng/ngày, biến nước này trở thành nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, khi nhắc đến hoạt động thương mại liên quan đến dầu mỏ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - quốc gia đi đầu trong các biện pháp cấm vận, mới là nước cần Qatar chứ không phải Qatar cần UAE.

Hiện Qatar đang vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 nhiên liệu thông qua đường ống Dolphin dài 364km dưới biển tới UAE. Đường ống này là nguồn cung cấp chính để tạo ra 50% sản lượng điện năng tiêu thụ của UAE, đặc biệt vào thời điểm mùa hè, khi nắng nóng lên tới hơn 40 độ C. Không có nguồn năng lượng này, thành phố Dubai sầm uất nhất UAE sẽ trở nên tê liệt. Các tòa nhà chọc trời chìm trong bóng tối vì không có điện. Đó cũng là lúc UAE rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Saudi Arabia cũng chịu thiệt khi đối đầu với Qatar ngay cả khi nước này đang chiếm thế thượng phong. Nếu Qatar muốn đáp trả, nước này có thể đe dọa rời khỏi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Đây được xem sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước vùng Vịnh dẫn đầu bởi Saudi Arabia.

Ông Theodore Karasik, Chuyên gia câp cao phân tích vùng Vịnh cho biết: "Qatar có thể bắt đầu quá trình rời khỏi GCC. Một thông điệp mạnh mẽ gửi đến tất cả các quốc gia liên quan. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và cả Nga sẽ ủng hộ quyết định này. Những mâu thuẫn ngoại giao có thể dẫn tới mâu thuẫn trong OPEC về việc có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu hay không. Nếu có không sao nhưng không thì nguồn cung dầu sẽ lại dư thừa, dẫn đến giá dầu sẽ tiếp tục lao dốc".

Chưa biết Qatar có sử dụng con át chủ bài này ngay trên bàn đàm phán ngoại giao hay không, chỉ biết rằng đến nay họ vẫn tuyên bố, bất đồng nào cũng sẽ có lời giải thông qua đối thoại. Tất cả các bên đều thiệt hại khi tình hình căng thẳng. Sự kiên nhẫn vẫn đang được thử thách.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước