Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, mà còn khiến tình trạng buôn lậu gỗ qua biên giới gia tăng.
Ghi nhận tại Hà Tĩnh, kho gỗ trắc của Công ty Đức Tài ở huyện Hương Khê được nhập khẩu cách đây 4 năm với nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp. Thế nhưng, khi mang gỗ đi xuất khẩu, công ty đã bị cơ quan chức năng từ chối vì số gỗ này chưa được cấp chứng chỉ CITES theo quy định mới của Bộ NN&PTNT.
Không chỉ riêng Công ty Đức Tài, hiện trên địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có 60 doanh nghiệp với hàng chục nghìn m3 gỗ trắc, hương, cẩm lai... cũng không thể xuất khẩu do vướng chứng chỉ CITES. Điều đáng nói, toàn bộ số gỗ này đều được nhập về từ lâu, thời điểm nhập khẩu không bị hạn chế bởi Công ước CITES.
Hiệp hội DN Hương Khê cho biết, để xuất khẩu dù là một khối gỗ, các DN cũng phải ra tận Hà Nội để xin chứng chỉ CITES, thời gian kéo dài nhiều ngày. Trong khi đó, hàng trăm khối gỗ trị giá hàng tỷ đồng vẫn đang nằm phơi nắng, phơi mưa không thể xuất khẩu.
Doanh nghiệp mong muốn, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp chứng chỉ CITES trong quá trình xuất khẩu gỗ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!