Theo IMF, tác động của COVID-19 sẽ làm cho nền kinh tế thế giới mất khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương GDP của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. IMF cũng dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 chỉ tăng trưởng 2,7% so với mức 6,7% trước đó.
Tuy nhiên, điểm sáng là bối cảnh đại dịch đã tạo cơ hội cho kinh tế số bức phá tại Việt Nam. Đây là nội dung được bàn luận tại Hội thảo quốc gia "Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam" do Đại học Quốc gia, TP.HCM phối hợp với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức ngay sáng 12/10.
Sau các giai đoạn cao điểm dịch bệnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia đa đạt mức 17%. Đến hết tháng 7, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 190% so với cùng kỳ năm 2019.
Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa - Dân trí.
Lượng sử dụng ứng dụng di động để mua sắm trực tuyến qua quý II vừa qua tăng hơn 40% so với quý trước, cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Đây là những con số minh chứng rất rõ ảnh hưởng của đại dịch vô hình trung đã tạo ra cơ hội có 1 không 2 để thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Tại Hội thảo vấn đề về khung pháp lý và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đại diện Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, cần tách bạch rõ ràng khái niệm nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) với các doanh nghiệp lập nghiệp đơn thuần.
Để có những hỗ trợ sát sao hơn với các startup có sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ, chẳng hạn như miễn thuế hoàn toàn trong những năm đầu hoạt động vì rủi ro của lĩnh vực này khá cao.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong việc phát triển hệ sinh thái kinh tế số. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện nay kinh tế số đang chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, dự báo sẽ đạt mức 25% sau 5 năm nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!