Cú "bẻ lái" gây sốc của thị trường chứng khoán Mỹ giữa dịch COVID-19

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 29/02/2020 13:36 GMT+7

VTV.vn - Chứng khoán Mỹ trải qua một tuần khủng hoảng kể cả khi dịch COVID-19 tại Mỹ chưa quá nghiêm trọng. Nguyên nhân nào lý giải cho những cú lao dốc tuần qua?

Chỉ chưa đầy 1 tháng trước, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đồng loạt lập đỉnh. Mối đe dọa dịch COVID-19 có vẻ không hề lan tới Phố Wall. Nhưng chỉ sau vài phiên, mọi thứ đều đã đảo ngược. Sau 5 phiên giảm liên tiếp trong tuần, toàn thị trường rơi vào vùng điều chỉnh với mức giảm trên 10% bất chấp cả lời trấn an của ông chủ Nhà Trắng. 

Chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã "bay hơi" 3.400 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường trong 6 phiên giao dịch vừa qua và thị trường tiếp tục lao dốc khi bước vào ngày giao dịch 28/2, cùng chung xu thế đi xuống của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới trước những quan ngại rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể trở thành đại dịch.

Theo các nhà phân tích, thị trường chứng khoán Phố Wall đang hướng đến tuần giao dịch tệ hại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhà chiến lược gia trưởng về thị trường Keith Lerner của Truist/SunTrust Advisory cho rằng thị trường chứng khoán Phố Wall đang đối mặt với sức ép bán ra "lớn nhất từ trước đến nay". Còn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo những thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng và nhu cầu trên thế giới có thể "xóa sạch" mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020 của các doanh nghiệp có cổ phiếu hợp thành chỉ số tổng hợp S&P 500.

Tại sao chứng khoán Mỹ lại lao dốc thê thảm trong tuần qua mặc dù trước đó trụ khá vững trước thông tin bùng phát dịch bệnh từ Trung Quốc? Sợ hãi dịch COVID-19 vẫn là lý do chính. Chỉ số CBO, được biết đến như một thước đo sự hoảng loạn của Phố Wall đã tăng lên trong những ngày qua và đột ngột tăng cao trong ngày 28/2, tới gần 50 điểm. Trong khi bình thường chỉ hơn 35 điểm. Điều này xảy ra khi tuần qua, một loại các nước công bố có ca đầu tiên nhiễm COVID-19, số lượng ca nghi nhiễm cũng tăng cao.

Cùng lúc, đây là thời điểm, các công ty chuẩn bị phải có những báo cáo tài chính. Thế nhưng, có tới 40% các công ty lớn cho biết bị sụt giảm mạnh nhu cầu tại Trung Quốc nên không đạt được mục tiêu đề ra. Công việc sản xuất và kinh doanh cũng bị ngưng trệ. Khoảng 90% các công ty đã phải hạn chế việc đi lại của nhân viên. Hơn 62% phải đầu tư để nhân viên làm việc trực tuyến.

Nhìn chung, tuần vừa qua là tuần thị trường phải đón nhận rất nhiều thông tin không tích cực về dịch bệnh và triển vọng của các công ty nên việc bán tháo là khó tránh khỏi. COVID-19 xảy đến khi nền kinh tế Mỹ cũng vừa mới chỉ manh nha đi qua căng thẳng thương mại với Trung Quốc. So với thương chiến Mỹ-Trung, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực sản xuất mà còn đang tác động mạnh đến cả ngành dịch vụ. Không chỉ nhà máy mà trung tâm thương mại, sân bay, cửa hàng, thiệt hại sẽ rộng hơn và kéo dài hơn.

Như thường lệ, mỗi khi nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những khó khăn, nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ vào cuộc và xắn tay lên giải quyết. Ngày 29/2, FED đã phải bất ngờ can thiệp dù chỉ bằng lời nói để hãm đà bán tháo của thị trường. Chủ tịch FED Jerome Powell đánh giá dịch COVID-19 đang làm gia tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế. FED đang theo dõi rất sát và sẽ "hành động phù hợp" để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn bùng phát dịch này.

Thông điệp trên của FED đang chia thị trường theo 3 hướng. Hướng thứ nhất cho rằng, FED có thể sẽ đợi hết quý I để xem các chỉ số kinh tế cụ thể rồi mới đưa ra quyết định. Nếu có quyết định gì cũng phải đợi đến cuộc họp cuối tháng 4. Hướng này được ngân hàng Trung ương các bang ủng hộ.

Hướng thứ hai dự đoán, FED sẽ hạ lãi suất ngay trong lần họp kết thúc vào ngày 18/3. Hướng này các ngân hàng thương mại dự báo. Cuối cùng là hướng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình đó là FED sẽ tiếp tục "nghe ngóng". Họ có thể họp bất thường, đưa ra quyết định ngay nếu tình hình cực xấu nhưng cũng có thể chưa tính tới chuyện hạ lãi suất nếu như dịch bệnh có triển vọng tốt hơn.

Trong bối cảnh đó, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ cần tới một liều vaccine hơn là một chính sách từ FED. Triển vọng của phố Wall trong những tháng tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc nước Mỹ có thể khống chế dịch bệnh COVID-19 tốt đến đâu.

COVID-19 khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 1,7 nghìn tỷ USD COVID-19 khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 1,7 nghìn tỷ USD

VTV.vn - Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua 2 phiên bán tháo làm bốc hơi 1,7 nghìn tỷ USD chỉ trong 2 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước