Cửa hàng tự động Buy-Fresh Go ở trung tâm Thâm Quyến đã đóng cửa. (Ảnh: Nikkei)
Lặng lẽ đóng cửa, gỡ bỏ mọi thiết bị công nghệ cao, đặt biển tìm người thuê mới ngay giữa lối vào, khi nhìn vào Buy-Fresh Go lúc đó, ít ai nghĩ rằng cửa hàng này từng được giới truyền thông ca ngợi như một hình mẫu cho tương lai của ngành bán lẻ.
Đầu năm 2018, ngành bán lẻ tự động tại Trung Quốc bắt đầu chứng kiến một loạt vụ đóng cửa, thậm chí phá sản vì doanh thu lao dốc. Chuỗi cửa hàng tiện lợi tự động đầu tiên i-Store lần lượt đóng cửa, giảm 2/3 số cửa hàng so với thời hoàng kim.
Cuối năm 2018, JD.com cũng thông báo ngừng hoạt động mạng lưới bán lẻ thông minh, bao gồm các cửa hàng tự động nhỏ như những ki-ốt tại ga tàu. Từng mạnh miệng tuyên bố sẽ mở 5.000 cửa hàng như vậy nhưng nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 Trung Quốc đã ngậm ngùi chứng kiến kế hoạch chết yểu chỉ 6 tháng sau đó.
Nguyên nhân lớn vẫn nằm ở từ khóa Đồ tươi sống. Bán thì khó bảo quản mà không bán thì chẳng mấy ai đến cửa hàng. Nếu chỉ bán đồ uống đóng chai, đồ ăn vặt hay đồ khô, những cửa hàng cũng chỉ như những chiếc máy bán hàng tự động, có điều còn cồng kềnh hơn. Ngoài ra, các cửa hàng tự động cũng chưa tận dụng tối đa dữ liệu, để phân tích và hiểu nên bán hay không bán sản phẩm gì.
Tuy nhiên, trong hàng loạt thất bại, vẫn có điểm sáng là sự áp dụng linh hoạt của Alibaba. Chuỗi siêu thị tự động tên Hema vẫn bán các mặt hàng tươi sống để hút khách đều đều và vẫn tự động như thanh toán bằng điện thoại. Nhưng điểm khác biệt là ở đây luôn có một số ít nhân viên sẵn sàng hỗ trợ khách hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!