Cục Thuế địa phương vào cuộc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Kate Trần-Thứ hai, ngày 17/06/2024 06:08 GMT+7

Các địa phương đều có nhiều động thái vào cuộc thiết lập trật tự trên thị trường vàng.

VTV.vn - Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, các cục thuế địa phương đã nhanh chóng vào cuộc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng miếng SJC thông qua 4 Ngân hàng Thương mại Quốc doanh và công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC để bán vàng trực tiếp cho người dân nhằm thực hiện lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế ở mức phù hợp.

Cục thuế địa phương nhanh chóng vào cuộc

Hiện cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử. 

Thời gian vừa qua, thị trường vàng trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Giá vàng trong nước biến động mạnh và tăng nhanh liên tục gây tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý của người dân.

Để ổn định thị trường vàng, Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quản lý, nhất là việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý nhằm tránh thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh.

Mới đây, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua - bán vàng. 

Cục Thuế địa phương vào cuộc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng - Ảnh 2.

Các địa phương đều có nhiều động thái vào cuộc thiết lập trật tự trên thị trường vàng.

Theo đó, sau ngày 15/6/2024, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép. 

Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản về các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các bộ, ban, ngành, địa phương đều có nhiều động thái thể hiện sự vào cuộc thiết lập trật tự trên thị trường vàng.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. 

Đơn cử, ngay sau khi nhận được chỉ đạo trên, Cục Thuế Bắc Giang đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế khu vực tổ chức quán triệt nghiêm túc và khẩn trương triển khai thực hiện tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý. Đơn vị này đã thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế như: sử dụng các tiêu chí có điểm rủi ro cao khi lập kế hoạch kết hợp với nguồn tin, dữ liệu của ngành Thuế và các thông tin thu thập từ bên thứ ba để phân tích các yếu tố rủi ro, từ đó xác định nội dung cần tập trung thanh tra, kiểm tra thuế; Đồng thời, xây dựng phương án triển khai công tác thanh tra, kiểm tra linh hoạt, tăng cường triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế thông qua phương thức giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Một trường hợp điển hình khác là Cục Thuế Quảng Ngãi, đơn vị đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo triển khai, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Đại diện Cục thuế này cho hay, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 221 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý với số liệu kê khai và nộp thuế năm 2023 đạt hơn 10,5 tỷ đồng. Theo đó, một số giải pháp được đề xuất cụ thể là tuyên truyền các chính sách, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và cơ quan ban ngành có liên quan; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; tiến hành kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, phân tích hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế; phân tích rủi ro để chọn ra những doanh nghiệp có doanh thu và số thuế phải nộp năm sau giảm nhiều so với năm trước, yêu cầu doanh nghiệp giải trình để thực hiện xác minh, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế…

Hiện nay, Cục thuế TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tích cực tuyên truyền cho người dân đi mua vàng hãy nhận hóa đơn điện tử để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho NHNN bán vàng miếng SJC và cho cả các doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép mua- bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân.

Hóa đơn điện tử giúp quản lý thị trường vàng

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, đã có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng 1,34 triệu hóa đơn điện tử đã sử dụng. 

Có thể thấy, hóa đơn điện tử giúp quản lý thị trường vàng tuy nhiên, theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng nhiều tiệm vàng dù đã kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với cơ quan thuế nhưng bán hàng vẫn ghi hóa đơn do tiệm vàng tự in. Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần làm nghiêm túc khâu thanh tra kiểm tra và đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp, tuyên truyền với chính khách hàng về quyền lợi khi mua bán vàng có hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp vàng nên nhận thức rõ bán hàng có hóa đơn điện tử sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp, minh bạch, nâng cao uy tín và tăng sự tin tưởng từ khách hàng. Còn người tiêu dùng thì quyền lợi được đảm bảo khi mua vàng có chứng minh nguồn gốc, chất lượng.

Bàn về cách thức, quy trình thực hiện hóa đơn điện tử, một công ty trong lĩnh vực kế toán và giải pháp thuế cho biết doanh nghiệp cần chuẩn bị về mặt hạ tầng và chi phí để cài đặt bộ giải pháp xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế chuẩn quy định. Sau đó, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Ngoài ra để phát hành được hóa đơn điện tử trên máy tính tiền, đơn vị kinh doanh cần lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử có kết nối với phần mềm quản lý bán hàng mình đang sử dụng.

Theo Tổng cục quản lý thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện 145 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, tổng giá trị hàng hóa 6,8 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn một số giải pháp cũng đã được các chuyên gia đề xuất để tăng cung vàng miếng, "hạ nhiệt thị trường". Trong đó có đề xuất lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn. Theo đó, các cục thuế cần thành lập đầu mối chuyên môn để nghiên cứu sâu và triển khai các giải pháp theo dõi và quản lý các doanh nghệp hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng; Cơ quan thuế cần chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh và đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các ban ngành khác, nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra hồ sơ và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế các cơ sở kinh doanh vàng, trong đó chú trọng đến các hoạt động mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng; phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, hoặc có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế.

Một giải pháp rất khả thi và hiệu quả mà các chuyên gia đưa ra đó là đẩy mạnh công bố công khai kết quả thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh vàng vi phạm pháp luật kèm theo hình thức xử lý nhằm phát huy tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sơ kinh doanh vàng./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước