Cung đang vượt cầu, khiến giá gạo giảm

VTV Digital-Thứ tư, ngày 15/01/2025 14:16 GMT+7

Tự động phát sau
2
Current Time0:00
/
Duration0:00

VTV.vn - Giá gạo giảm là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo, đã khiến ngành hàng lúa gạo rơi vào thực trạng cung vượt cầu.

Thị trường trầm lắng, lượng gạo giao dịch ít, giá lúa đồng bằng sông Cửu Long giảm. Đây là bức tranh chung của ngành hàng gạo trong nước diễn ra trong khoảng gần một tháng trở lại đây. Sau một năm 2024 tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, thì diễn biến 2 tuần đầu tiên năm 2025 gây ngạc nhiên cho nhiều người. Với những người trong ngành thì việc suy giảm về giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời gian qua đã nằm trong xu hướng chung của giá gạo thế giới.

Biểu đồ cho thấy diễn biến giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam trong suốt 5 năm vừa qua. Có thể thấy rõ, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang đứng mốc 434 USD/tấn, và cũng là mức thấp nhất hơn 2 năm vừa qua, theo số liệu của Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam, và thấp hơn cả gạo Ấn Độ. Nhưng nhìn rộng ra trong năm 2024 thì xu hướng giảm là khá rõ.

Cung đang vượt cầu, khiến giá gạo giảm - Ảnh 1.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang đứng mốc 434 USD/tấn, cũng là mức thấp nhất hơn 2 năm vừa qua.

Theo bộ Công Thương giá gạo giảm là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo, đã khiến ngành hàng lúa gạo rơi vào thực trạng cung vượt cầu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: "Nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ đang nới lỏng cũng như dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, bỏ thuế xuất khẩu gạo hoặc áp đặt dừng xuất khẩu gạo đối với một số chủng loại. Khi Ấn Độ có động thái xả hàng ra thị trường như vậy thì đương nhiên giá gạo trên thế giới cũng có biến động theo chiều hướng giảm".

"Ví dụ như Philippines, Trung Quốc thì họ đang nghỉ Tết. Như vậy dẫn đến nguồn cầu của thị trường giảm đi. Trong khi nguồn cung tới mùa thu hoạch thì chúng ta cung ứng dồi dào và điều này đã làm cho giá gạo giảm xuống", ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long cho hay.

Xu hướng giá gạo trong năm 2025

Cung đang vượt cầu, khiến giá gạo giảm - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh trong nửa đầu năm nay.

Đây là thời điểm đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ Đông - Xuân, là vụ lúa có sản lượng lớn trong năm, đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lúa tươi được thu hoạch, và nguồn cung gạo ra thị trường theo đó cũng dồi dào hơn. Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thương mại rất lo ngại vấn đề giá tiếp tục xuống nên chưa tiến hành mua vào. Giá khả năng sau Tết, tôi đánh giá vẫn có thể giảm thêm một nhịp nữa", ông Trương Mạnh Linh - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Lương thực A An cho hay.

Bà Bùi Thị Bích Phương - Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết: "Việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại với nguồn cung dồi dào và giá cả cạnh tranh sẽ tác động mạnh lên thị trường gạo toàn cầu, trong đó có Việt Nam không chỉ riêng năm 2024 mà còn cả năm 2025. Do đó, theo tôi, nhiều khả năng giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục đi xuống, nhất là khi một số nước nhập khẩu gạo lớn như là Philippines, Indonesia tuyên bố cắt giảm hoặc tạm ngưng nhập khẩu gạo trong thời gian tới".

Tăng mua tích trữ gạo, ổn định thị trường

Cung đang vượt cầu, khiến giá gạo giảm - Ảnh 3.

Đây là thời điểm thích hợp các doanh nghiệp mua thóc về tích trữ, một mặt ổn định thị trường trong nước và chủ động nguồn nguyên liệu để cung ứng cho thế giới sau này.

Trước mắt việc giá gạo giảm có thể đang làm cho thị trường trầm lắng, gây bất lợi cho người nông dân vì giá lúa tươi cũng giảm theo, thu nhập sẽ giảm xuống. Theo chính các doanh nghiệp và các chuyên gia, đây lại là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp mua thóc về tích trữ, một mặt ổn định thị trường trong nước, một mặt có một nguồn nguyên liệu dồi dào cung ứng cho thế giới sau này. Đây cũng là cách ứng phó tích cực của ngành hàng gạo trước biến động của thị trường thế giới.

Trước sức ép rủi ro cao của giá gạo biến động, doanh nghiệp không vội ký kết đơn hàng mới mà chủ động thu mua mỗi ngày gần 300 tấn gạo nguyên liệu nhằm giữ vững kế hoạch xuất khẩu 4.000 tấn trong năm nay.

"Ngay lúc này chúng tôi đã mạnh dạn tập trung mua vào để dự trữ. Để làm sao có được nguồn hàng tốt nhất và số lượng tương đối nhiều nhất để chủ động mua vào, khi có khách hàng mà được giá thì công ty bán ra", ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV chia sẻ.

Ngoài việc tích cực mua tích trữ lúa từ bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp tục thay đổi mô hình tăng trưởng, thay vì đẩy mạnh sản lượng thì tăng cường giá trị. Bên cạnh thị trường truyền thống thì họ mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Astraulia và chìa khóa giúp họ tăng giá trị cho gạo của mình là trồng theo hướng giảm phát thải, bền vững.

Ông Trương Mạnh Linh - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Lương thực A An cho hay: "Tập trung vào thị trường có giá trị gia tăng tốt hơn. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu lớn hơn vào thị trường nội địa để cung cấp nguồn lúa gạo bền vững, giảm phát thải, chất lượng cao cho người tiêu dùng".

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, biến động bất lợi của giá gạo sẽ không gây ra thiệt hại lớn, nhất là khi doanh nghiệp xuất khẩu và ngành chức năng chủ động giải pháp ổn định thu mua dự trữ hợp lý nguồn lúa gạo, nguyên liệu trong dân.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long cho biết: "Tôi thiết nghĩ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách về tín dụng. Trong đó làm sao để cung nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình thu mua lúa gạo của nông dân. Việc này là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, gián tiếp thông qua doanh nghiệp".

Các doanh nghiệp xuất khẩu bằng kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường vẫn tin tưởng các nhà nhập khẩu gạo các thị trường truyền thống sẽ sớm ký kết hợp đồng trở lại. Bởi cùng với lợi thế thuận tiện vận chuyển mua bán, hạt gạo thơm ngon chất lượng, thì giá cả cạnh tranh hợp lý, càng giúp hạt gạo Việt Nam giữ vững thị trường.

Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi kỹ diễn biến thị trường gạo thế giới, để linh hoạt ứng phó. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung lúa gạo toàn cầu trong năm nay sẽ tăng đáng kể, với sản lượng dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 530 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước