Thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ đang kéo theo sự phát triển của các ngân hàng kỹ thuật số. Đây là loại hình ngân hàng chỉ hoạt động trên Intenet, không có trụ sở và chi nhánh, tất cả các dịch vụ được cung cấp trực tuyến.
Cuộc chạy đua giành miếng bánh thị phần ngân hàng số ở châu Á hiện nằm trong tay một vài "ông lớn" hoạt động trong lĩnh vực fintech như Ant Financial của tập đoàn Alibaba, WeChat Pay của Tencent.
Đây cũng là 2/4 công ty giành được những giấy phép thành lập các ngân hàng số đầu tiên tại Hong Kong (Trung Quốc) hồi đầu tháng 5 vừa qua. Hứa hẹn tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ở một thị trường ngân hàng nằm dưới thống trị của các ông lớn truyền thống như HSBC và Standard Chartered.
Ngân hàng số không chỉ cung cấp các dịch vụ tài chính thông thường mà còn cho vay tiền, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản cá nhân. Khách hàng tiết kiệm thời gian, không phải tới các phòng giao dịch. Trong khi ngân hàng tiết kiệm được chi phí thuê cửa hàng, nhân viên. Lãi suất cho vay vì thế cũng sẽ thấp hơn.
Singapore, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang cân nhắc cấp phép cho các ngân hàng số dạng này. Trong khi đó, cách đây 2 năm, Hàn Quốc đã cấp hai giấy phép ngân hàng chỉ hoạt động trực tuyến, bao gồm ngân hàng Kakao Bank. Tính đến tháng 3/2019, ngân hàng trực tuyến Kakao Bank có 8,9 triệu người dùng.
Theo các chuyên gia, châu Á đang dẫn đầu xu thế nở rộ ngân hàng số trên toàn cầu, do người tiêu dùng tại khu vực khá mở và thích sử dụng những ứng dụng dạng one-stop một điểm (siêu ứng dụng như Grab, Go-jek, Alipay).
Những công ty công nghệ này đang lấn sân mạnh vào lĩnh vực tài chính. Do đó, xu hướng ngân hàng số sẽ dễ dàng được chấp nhận nhanh hơn tại châu Á dù tính bảo mật và môi trường pháp lý cho loại hình ngân hàng này hoạt động còn chưa rõ ràng. Dự báo, ngân hàng số sẽ là đối thủ đáng gờm của những ngân hàng truyền thống trong kỷ nguyên 4.0.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!