"Cuộc chiến" giá dầu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 07:00 GMT+7

VTV.vn - Trong khi OPEC kiên quyết không "xả thêm van dầu" ra thị trường, Mỹ đã kêu gọi sự chung tay của các nước mở kho dự trữ vàng đen.

Sau 3 tháng liên tục kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) "mở van" cung dầu ra thị trường trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều nước đã chung tay "xả" kho dầu dự trữ của mình trong tuần này. Đây là một động thái phối hợp chưa có tiền lệ giữa các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Đi đầu trong chiến dịch phối hợp đa quốc gia này là Mỹ, với cam kết giải phóng 50 triệu thùng. Đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ, một Tổng thống Mỹ chọn sử dụng nguồn dự trữ này để điều chỉnh hạ giá năng lượng, thay vì giải quyết sự gián đoạn nguồn cung.

Cuộc chiến giá dầu - Ảnh 1.

Nhiều nước đã chung tay "xả" kho dầu dự trữ để hạ giá dầu

Nguyên nhân của động thái này được cho là do có sự bất đồng về những dự đoán giữa cung và cầu trên thị trường vàng đen trong giai đoạn tới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thì cho rằng cung thấp hơn cầu. Trong khi OPEC thì lại cho rằng cung nhiều hơn cầu do tốc độ tiêu thụ chậm hơn ở Trung Quốc và Ấn Độ trong quý III vừa qua.

Hiện nhiều nguồn tin cho biết, OPEC+ đang cân nhắc hủy bỏ kế hoạch tăng sản lượng dầu dự định triển khai vào năm tới. Đây được xem như một đòn đáp trả khi các nước lớn cùng nhau xả van dầu.

Theo tính toán của OPEC+, việc Mỹ và các nước cùng nhau giải phóng kho dự trữ có thể giúp bơm thêm khoảng 70 triệu thùng dầu ra thị trường. Song cũng chỉ tương đương với 2,5 ngày sản lượng dầu mà OPEC+ bán ra.

Goldman Sachs mỉa mai, động thái xả hàng này chỉ như "muối bỏ biển". Bởi trong 70 triệu thùng được cung ra này có cả những hợp đồng hoán đổi, tức là cung ra rồi thu lại ngay. Do đó cung ròng thật sự cũng chỉ đạt khoảng 40 triệu thùng. Để hạ nhiệt giá vàng đen ngay, phải cần tới tối thiểu 100 triệu thùng.

"Có những nhà phân tích nói rằng, các chính phủ chỉ cần doạ cho thị trường biết được có thể can thiệp thì thị trường không dám đẩy giá dầu lên. Nhưng khi chính phủ đã hành động rồi và thị trường biết chính phủ không có khả năng cung ra một trữ lượng dầu quá lớn thì thị trường tiếp tục đẩy giá dầu", Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh cho biết.

Thực tế đã chứng minh, xả hàng nhưng giá dầu đã tăng thật, tới 2 USD/thùng. OPEC+ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm trong năm sau do tăng trưởng kinh tế chậm lại và dịch bệnh chưa thể chấm dứt ngay.

Có vẻ nhận định này đang đúng khi thông tin biến chủng mới "siêu đột biến" B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 có khả năng né hệ miễn dịch của cơ thể người chỉ vừa được công bố, nhiều nước đã ban bố lệnh hạn chế nhập cảnh du khách từ Nam Phi và 1 số quốc gia lân cận. Giá vàng đen cũng nhanh chóng bốc hơi 4 USD/thùng.

Các chuyên gia cảnh báo, yếu tố xả hàng và diễn biến dịch bệnh phức tạp nhiều khả năng buộc OPEC+ phải cân nhắc huỷ bỏ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày từ tháng sau. Mọi sự chú ý dồn vào cuộc họp của nhóm diễn ra thứ 5 tuần tới ngày 2/12.

Cuộc chiến giá dầu - Ảnh 2.

Giá dầu dự báo đối diện nhiều bất định trước diễn biến của dịch bệnh

"Còn rất nhiều bất định như tiến trình biến đổi của virus và sự phục hồi của kinh tế thế giới, cho nên họ cần phải đưa ra những dự báo mang tính bảo thủ đối với nguồn cung. Tuy nhiên trong dài hạn 6-12 tháng, OPEC vẫn sẽ tăng sản lượng. Dự báo 2 quý tới giá dầu dự báo sẽ ổn định ở mức 80 USD", Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn nhận định.

80 USD/thùng dầu cũng là mức giá OPEC+ kỳ vọng để có nguồn doanh thu ổn định. Do vậy tình thế đối đầu căng thẳng giữa OPEC và các nước dẫn đầu là Mỹ lúc này dự báo sẽ chỉ mở ra một cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng, đe dọa làm xáo trộn bức tranh địa chính trị về dầu mỏ thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước