IEA: Doanh số bán ô tô điện toàn cầu tiếp tục tăng mạnh năm 2022
Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân, các thương hiệu ô tô điện đã yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước khi muốn mua ô tô điện, trong đó một vài mẫu xe ô tô được yêu thích đã bán hết sản phẩm trong vòng 2 năm tới.
Trong báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2022, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá, rất ít lĩnh vực năng lượng sạch trên thế giới năng động như thị trường ô tô điện.
Báo cáo cho biết gần 10% doanh số bán ô tô trên toàn cầu năm 2021 là xe điện, tăng gấp 4 lần thị phần của năm 2019 và gấp đôi so với năm 2020, lên mức kỷ lục mới là 6,6 triệu xe.
Doanh số bán ô tô điện toàn cầu tiếp tục đà tăng mạnh vào năm 2022. Chỉ tính riêng quý đầu tiên của 2022, đã có 2 triệu chiếc được bán, tăng 75% so cùng kỳ năm trước đó.
Theo IEA, chính sách hỗ trợ của các chính phủ được coi là hành lang dẫn đường cho bất kỳ một ngành công nghiệp nào, xe điện cũng không ngoại lệ. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần các động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu "điện hóa" phương tiện đầy tham vọng trong những thập niên tới.
Động lực từ các chính phủ giúp ngành sản xuất xe điện
Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về doanh số bán xe điện trong năm 2022, khi chiếm một nửa mức tăng trưởng của toàn cầu. Động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ đến từ các khoản tài trợ "hào phóng".
Hozon giới thiệu Neta S tại triển lãm ô tô Thành Đô vào tháng 8. (Ảnh China Daily)
Trung Quốc đã áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí sử dụng xe điện, cụ thể miễn thuế 5% cho các loại xe "thuần" điện, xe Plug-in Hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện.
Là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 tại châu Á, Thái Lan bắt đầu đưa ra chính sách thúc đẩy sản xuất xe năng lượng sạch từ năm 2017. Năm 2022, nước này tiếp tục tiến thêm một bước nữa khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống 2% và thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc chỉ từ 0 - 40% cho tới năm sau. Mỗi chiếc xe điện sản xuất trong nước bán ra cũng sẽ được trợ cấp tối đa 150.000 Baht, tương đương khoảng 4.600 USD.
Indonesia cũng đang rất chú trọng việc thu hút nguồn đầu tư vào xe điện. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất quốc tế, nước này đã đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với sản xuất xe điện, pin, động cơ điện và bộ điều khiển điện.
Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực khuyến khích người dân chuyển từ ô tô xăng truyền thống sang xe điện. Người vay mua ô tô xanh sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn 1 điểm % so với vay mua xe xăng.
Chủ xe điện cũng sẽ được nhận nhiều ưu đãi về thuế và phí, như giảm và hoàn một phần phí đăng ký phương tiện mới với xe chạy hoàn toàn bằng điện, có thể lên đến 45.000 đô la Singapore mỗi xe; giảm thuế đường bộ với xe điện và lai xăng điện.
Đáng chú ý trong năm 2022 tại Mỹ là sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút ký Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, với một trong những nội dung chính là cấp hàng tỷ USD nguồn vốn tài trợ mới cho hoạt động sản xuất xe điện nội địa.
Ngoài ra, để khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chuyển đổi sang xe chạy điện, Luật Giảm lạm phát cho phép trợ cấp cho mỗi người mua ô tô điện mới số tiền là 7.500 USD; miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường xe điện lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và châu Âu, tuy nhiên doanh số bán xe tại Mỹ vẫn thấp hơn khá nhiều, ước tính chiếm 1/4 so với Trung Quốc, theo IEA.
Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ tạo cú huých cho lĩnh vực xe điện Mỹ?
Thực tế tại Mỹ, ngoài Đạo luật Giảm lạm phát, còn có rất nhiều chính sách khác, đi kèm với đó là các khoản đầu tư khổng lồ có thể giúp thúc đẩy ngành sản xuất xe điện. Ví dụ như các chính sách hướng tới mục tiêu chung hòa khí thải carbon vào năm 2045; hay sản xuất và bán ra hoàn toàn xe điện vào năm 2035.
Đây cũng là thị trường ô tô hàng đầu thế giới với mức tiêu thụ từ 14 - 16 triệu xe mỗi năm, đồng thời là nơi tập trung của những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cũng như những công ty khởi nghiệp chuyên về ô tô điện. Vì vậy, động lực cho sự phát triển ngành sản xuất ô tô điện của Mỹ là rất lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xác lập vị trí dẫn đầu ngành sản xuất ô tô điện toàn cầu, gã khổng lồ này cần phải vượt qua được ít nhất là 2 rào cản lớn. Thứ nhất là thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Người Mỹ chuộng các loại xe có công xuất lớn, từ SUV đến bán tải cũng như nhu cầu xe tải là rất cao. Tuy nhiên, số nhà sản xuất và năng lực sản xuất các dòng xe này tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung là rất thấp. Rào cản công nghệ sẽ sớm được giải quyết, nhưng những trở ngại về linh kiện và đặc biệt là pin phải cần có thời gian. Đây chính là rào cản thứ hai.
Mặc dù chính quyền tổng thống Joe Biden đã có một chương trình thúc đẩy việc sản xuất để tiến tới chủ động về nguồn cung pin cho xe điện, nhưng thực tế hiện Trung Quốc nắm giữ 60 - 70% nguồn cung lithium, nguyên liệu chính sản xuất pin trên toàn cầu. Nhu cầu Lithium được dự báo là sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030.
Trong khi đó hiện Mỹ chỉ có 1 mỏ đang khai thác, cung cấp chưa đến 2% nguồn cung lithium toàn cầu. Trữ lượng lithium của Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 4% trữ lượng toàn cầu. Việc phát triển một số mỏ mới đang bắt đầu được triển khai, nhưng chúng đang phải đối mặt với sự phản đối không nhỏ từ các nhà bảo vệ tự nhiên, văn hóa và môi trường.
Thị trường xe điện Đông Nam Á đầy tiềm năng
Không chỉ có Mỹ muốn xác lập vị thế mới trong ngành công nghiệp xe điện, mà năm qua, Đông Nam Á cũng nổi lên là một thị trường đầy tiềm năng.
Trong năm 2021, giá trị thị trường xe điện Đông Nam Á ước đạt 500 triệu USD, một con số được đánh giá là khiêm tốn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tổ chức Research and Markets, thị trường xe năng lượng mới NEV của khu vực Đông Nam Á, từ nay sẽ tăng trưởng mỗi năm gần 33%, lên mức 2,67 tỷ USD vào năm 2027.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ ngành xe điện của các nước, Đông Nam Á được cho là nắm giữ những lợi thế riêng của mình, như dân số 600 triệu người, GDP khoảng 3,2 nghìn tỷ USD nên còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.
Do vậy, hàng loạt các hãng xe điện hàng đầu thế giới như Tesla, Hyundai, Honda, Toyota, hay các hãng xe điện Trung Quốc cũng đẩy mạnh giới thiệu mẫu xe điện mới, nhằm chiếm lĩnh thị phần nơi đây.
Cuộc đua xe điện trong thời gian tới diễn biến như thế nào?
Mỹ hiện là thị trường xe điện lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Marketwatch)
Các cuộc triển lãm ô tô diễn ra tại Mỹ thời gian gần đây cho thấy rõ xu thế nổi bật của xe ô tô điện. Không chỉ các nhà sản xuất xe tô tô truyền thống liên tục giới thiệu mô hình hoặc ra mắt các mẫu xe điện mới, mà sự góp mặt của các hãng chuyên sản xuất xe điện mới cũng ngày càng nhiều hơn. Điều này có thể đặt ra mối lo ngại về tính cạnh tranh.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dư địa cho sự phát triển của ngành sản xuất ô tô điện là rất lớn. Bởi phát triển xanh đã trở thành xu thế toàn cầu, là mục tiêu và định hướng chính sách của các chính phủ và đặc biệt hơn nữa chính là nhu cầu của người tiêu dùng được hỗ trợ và thúc đẩy bởi hệ sinh thái xanh đang phát triển rất nhanh.
Cuộc đua xe điện trong thời gian tới sẽ còn kịch tính, hấp dẫn hơn nữa. Sự thành công của xe điện được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, nhưng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các chính phủ là động lực tăng trưởng chính đối với ngành sản xuất tương đối mới này. Việc nắm giữ khoa học công nghệ, cũng như nguồn tài nguyên lithium cũng sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh to lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!