Hy Lạp sẽ giành lại quyền chủ động về tài chính từ ngày 20/8 tới đây, không còn phải chịu tuân thủ các quy định khắt khe của chính sách kinh tế khắc khổ.
Cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo nền kinh tế Hy Lạp thụt lùi tới 16 năm, GDP của Hy Lạp sau khủng hoảng nợ công chỉ còn tương đương với mức của năm 2002.
Các Bộ trưởng Tài chính châu Âu họp suốt đêm thứ Năm (21/6) tuần trước, mãi đến 2h sáng vẫn chưa xong. Vì vậy, tờ Thời báo Ireland ra sáng thứ Sáu không kịp viết kỹ, nhưng vẫn lạc quan: "Hy Lạp sắp giành được quyền chủ động ngân sách, mà không phải xin phép các chủ nợ mỗi lần muốn chi tiêu gì". Các nước chủ nợ đã quyết định cho Hy Lạp thoát khỏi các ràng buộc của chương trình giải cứu thứ ba.
Hiện nền kinh tế Hy Lạp có thể trụ vững mà không cần thêm trợ giúp từ bên ngoài. Theo tờ Salzburger Nachrichten ra tại Áo, Hy Lạp đang trên con đường dài tiến tới tự do về tài chính, tuy chưa phải mọi vấn đề đều đã được giải quyết, theo ông Cao ủy châu Âu về Kinh tế. Kinh tế của Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại từ năm 2017, năm nay ước tính tăng trưởng 1,9% và năm sau có thể lên tới 2,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 20%, nợ công vẫn tương đương với 178% tổng sản phẩm nội địa. Hy Lạp được tự do, thế nhưng chưa phải hoàn toàn, mà vẫn phải cam kết từ nay đến năm 2022, thặng dư ngân sách công hàng năm phải được ít nhất 3,5%, bị buộc phải kiểm toán ngân sách sau 3 tháng.
Chính sách kinh tế khắc khổ mà các chủ nợ buộc Hy Lạp phải áp dụng đã có kết quả. Tờ Tây Pháp nhắc lại, hồi tháng 10/2009, Athens rơi vào tình cảnh vỡ nợ sau nhiều năm chính phủ Hy Lạp đầu tư tràn lan cho các dự án đồ sộ và không hiệu quả, vay nợ, trốn thuế, gian lận về đất đai, tham nhũng, chi tiêu phúc lợi quá tay… Lo ngại kinh tế Hy Lạp sụp đổ sẽ lây lan sang các nước khác cũng tiêu đồng Euro, Liên minh châu Âu đã phải trút tiền giải cứu, nhưng bắt buộc chính phủ Hy Lạp tiêu gì cũng phải xin ý kiến, hạn chế chi tiêu ngân sách công, thoái vốn khỏi nhiều dự án, và phải chống trốn thuế, tham nhũng.
Hy Lạp nay đã phần nào được tự do, thế nhưng theo tờ Le Soir của Bỉ, phải 15 năm nữa nước này mới xóa được tác động của cuộc khủng hoảng nợ công. Cộng với 10 năm vừa qua, theo tờ báo, Hy Lạp mất trắng 1/4 thế kỷ. Kinh tế phục hồi, nhưng quy mô của nền kinh tế Hy Lạp nay đã giảm gần 1/4 so với năm 2008 trước khủng hoảng. Nước này hiện đã nghèo đi rất nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!