Năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ ước tính doanh số bán hàng trực tuyến chỉ đạt khoảng 11,3 tỷ USD trong ngày Cyber Monday. Mức tăng trưởng sụt giảm so với một năm trước đó, do các chương trình giảm giá ít hơn và sự lựa chọn cũng bị hạn chế, do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến với cơ sở giao vận của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Mỹ - Amazon, không khí ở đây vào dịp cuối năm bao giờ cũng bận rộn hơn cả.
"Chỉ riêng ở đây, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu đơn đặt hàng gửi đi trong ngày này. Theo ước tính, cứ mỗi giây trôi qua, có tới 1.600 mặt hàng được đặt mua trên toàn cầu trong ngày Cyber Monday. Trong đó, các đơn hàng phục vụ nhu cầu về không gian giải trí, thư giãn ngày càng tăng", bà Rena Lunak, Phát ngôn viên của Amazon, cho biết.
Tuy nhiên, chi tiêu cho ngày lễ mua sắm này không tăng mạnh như đã được chứng kiến vào 2020, giữa bối cảnh người dân Mỹ dàn trải hoạt động mua sắm của họ từ trước.
Bên trong một kho hàng của Amazon ở Robbinsville, New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)
Không chỉ Amazon, mà các nhà bán lẻ khác đã triển khai các chương trình giảm giá trong nhiều tuần. Mục tiêu nhằm bảo vệ biên lợi nhuận khỏi mức tăng của chi phí chuỗi cung ứng, cũng như quản lý tốt hơn hàng tồn kho, trong bối cảnh tình trạng thiếu sản phẩm trên diện rộng đã xảy ra trước mùa mua sắm Giáng sinh.
"Trước tháng 10, chúng tôi cũng thấy ghi nhận doanh số bán hàng tăng lên đáng kể so với năm ngoái, thậm chí năm trước. Tôi nghĩ nguyên nhân do mọi người lường trước các vấn đề của chuỗi cung ứng. Vì vậy, họ mua đồ sớm hơn. Các nhà bán lẻ cũng tung ra nhiều chương trình sớm hơn. Do vậy, thời điểm này chúng ta nhận được nhiều thông báo hết hàng hơn dự kiến", ông Eric Matisoff, chuyên gia phân tích thị trường toàn cầu của Adobe, cho hay.
Năm nay cũng là lần đầu tiên mức chiết khấu trong Cyber Monday dự kiến sẽ yếu hơn so với một năm trước. Lý do vẫn xoay quanh tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng khiến các nhà bán lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng hóa đến các cửa hàng.
Trước Cyber Monday, cả 2 ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn là Black Friday và ngày Lễ Tạ ơn đều ghi nhận doanh số thấp hơn dự báo của Adobe. Vào Black Friday, doanh số bán hàng trực tuyến chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm so với mức 9 tỷ USD của năm 2020. Vào Ngày Lễ Tạ ơn, doanh số bán hàng trực tuyến đạt 5,1 tỷ USD - gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2020.
Các nhà phân tích thị trường cho biết, đây là lần đầu tiên họ thấy chi tiêu giảm vào những ngày mua sắm lớn, vốn đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt kể từ khi Adobe bắt đầu báo cáo về hoạt động thương mại điện tử vào năm 2012.
Đợt mua sắm lớn nhất trong năm tại Mỹ bắt đầu ngay khi có thông tin mới về biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 có khả năng ảnh hưởng đến quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để dự đoán tác động lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Một mùa Black Friday 2021 khác biệt VTV.vn - Ngày Black Friday năm nay đã có những sự thay đổi đáng kể so với mọi năm. Nhiều nhà bán lẻ dè dặt với các chương trình khuyến mại và không có hàng bổ sung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!