Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận sự sụt giảm tới 23% so với năm 2022. Đặc biệt, nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD cũng giảm tới 13% so với cùng kỳ.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương khẳng định năm 2023 công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chủ động có chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm.
5 năm trước, thị trường Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao xác định là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên hiện nay, chính thị trường này đang giúp họ duy trì tăng trưởng, trong khi các thị trường xuất khẩu truyền thống như châu Âu lại sụt giảm.
"Để tiếp cận cũng như đưa hàng hóa, sản phẩm của chúng tôi vào thị trường Đông Bắc Á, chúng tôi đã có thời gian dài từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác và tìm hiểu quy định về chất lượng sản phẩm thì chúng tôi mất hơn 5 năm. Đến nay khi đi vào thị trường này, lượng hàng cũng như sự tăng trưởng của thị trường rất ổn định", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
Chế biến ngô ngọt xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Hiện mỗi tuần doanh nghiệp xuất khẩu hàng chục tấn sản phẩm sang thị trường Đông Bắc Á, chủ yếu là những sản phẩm đã qua chế biến. Họ đặt mục tiêu tăng trưởng gấp rưỡi trong năm nay.
Ngô ngọt sau khi được đông lạnh và đảm bảo nhiệt độ -18oC sẽ được đưa vào máy để đóng gói. Sau khi được đóng gói thành những gói nhỏ, ngô sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo đại diện doanh nghiệp, ngô ngọt là một trong những mặt hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trước tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính việc đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều hơn tới khách hàng của mình, doanh nghiệp có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu trong năm nay.
Còn với Công ty CP Quế hồi Việt Nam, bột quế cũng là sản phẩm đang duy trì tăng trưởng xuất khẩu cho họ tại thị trường Mỹ.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia vào các hội chợ nông sản quốc tế lớn của thế giới, từ đó có thể tìm kiếm thêm các thị trường mới.
"Tìm thêm những ngách thị trường phù hợp với khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam cũng như còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, như thị trường châu Phi, Trung Đông", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho hay.
Vừa qua, Bộ Công Thương mới ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Theo đó, hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp sẽ được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!