Các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng chỉ có thể tiếp tục chi tiêu nếu họ kiếm được tiền. (Ảnh: Reuters)
Mùa mua sắm dịp lễ, thường kéo dài trong tháng 11 và tháng 12, chiếm khoảng 20% doanh số bán lẻ hàng năm. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế dự đoán doanh số năm nay sẽ tăng trưởng ít hoặc không tăng so với năm 2019, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ chưa thông qua gói kích thích mới.
Nhà phân tích tại Forrester Research Sucharita Kodali dự đoán chi tiêu bán lẻ trong mùa lễ hội tới sẽ không đổi so với năm 2019. Doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng 20 - 25%, nhưng sự sụt giảm mạnh về lượng người ghé thăm các cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh số chung. Vì những hạn chế do dịch bệnh, "chi tiêu cho Halloween năm nay sẽ không nhiều", bà nói.
Triển vọng năm nay khó đoán khiến một số tổ chức thậm chí không đưa ra dự báo. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ đã trì hoãn việc công bố dự báo mùa mua sắm cuối năm, với lý do thiếu các chỉ số kinh tế rõ ràng và có thêm nhiều biến số khác, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống và khả năng tái bùng phát của dịch COVID-19.
Người dân chọn mua quần áo tại một cửa hàng thời trang ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn lạc quan. Các hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và khá, đã trả bớt nợ và tăng cường tiết kiệm, tạo ra bộ đệm tài chính. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã lên 15.720 tỷ USD trong tháng 9, từ 13.390 tỷ USD tháng 2.
Calvin Schnure - nhà kinh tế cấp cao tại Nareit, một nhóm thương mại đại diện cho các quỹ đầu tư bất động sản, kỳ vọng doanh số bán lẻ tăng 5% trong mùa lễ hội cuối năm, vì người tiêu dùng đang tiết kiệm bằng cách "ăn tối ở nhà thay vì đến nhà hàng và xem Netflix thay vì đi xem phim mỗi tuần một lần".
James Bohnaker - nhà kinh tế học tại IHS Markit, cũng dự báo doanh số bán lẻ trong dịp lễ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Ông mong đợi một số gói kích thích tài chính sẽ đến trước cuối năm.
Về dài hạn, các nhà kinh tế cho biết, người tiêu dùng chỉ có thể tiếp tục chi tiêu nếu họ kiếm được tiền. Điều này có nghĩa triển vọng sau kỳ nghỉ lễ sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng việc làm, vốn đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, khi ngày càng nhiều nhân viên bị sa thải vĩnh viễn.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng Mỹ cần một giải pháp lâu dài cho đại dịch và nhiều công việc mới hơn để giữ cho không khí kỳ nghỉ vẫn vui vẻ ngay cả khi đã kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!