Đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp đã vượt qua "cú sốc" thế nào?

V-Startup Le Cerne-Thứ sáu, ngày 17/04/2020 17:31 GMT+7

VTV.vn - Để xoay sở trước đại dịch, các DN đã phải áp dụng nhiều giải pháp để "sống sót", chờ đợi đến thời điểm phục hồi nền kinh tế.

Dịch COVID-19 hoành hành đã giáng 1 đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này. DN buộc phải lựa chọn: hoặc phá sản hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục tham gia cuộc chơi, "sống sót" chờ đợi đến thời điểm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp

Theo Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ; 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch COVID-19. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị thu hẹp.

Tính đến 20/03/2020, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 02/2020 là 10%). Chuyên gia kinh tế dự đoán, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ kéo theo gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản lên đến 40 lần so với việc dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 4.

Đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp đã vượt qua cú sốc thế nào? - Ảnh 1.

Những gánh nặng mà doanh nghiệp phải chịu khi xảy ra dịch COVID-19 (số liệu theo Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền Kinh tế - ĐH Kinh tế Quốc dân)

Số lượng, quy mô doanh nghiệp suy giảm, người lao động mất việc làm, tình trạng thất nghiệp gia tăng. Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người.

Đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp đã vượt qua cú sốc thế nào? - Ảnh 2.

Khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (số liệu theo Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền Kinh tế - ĐH Kinh tế Quốc dân)

Doanh nghiệp đã "xoay sở" thế nào để duy trì hoạt động giữa dịch bệnh

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việckhông lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp đã vượt qua cú sốc thế nào? - Ảnh 3.

Biểu đồ các hoạt động của doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19 (số liệu theo Báo cáo tác động của COVID-19 đến nền Kinh tế - ĐH Kinh tế Quốc dân)

Tuy nhiên, rõ ràng trong cuộc chiến chống COVID-19 này, các doanh nghiệp không hề đơn độc khi Chính phủ đã và đang thực hiện hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ phần nào khó khăn trong thời điểm hiện tại. Phải kể đến những giải pháp hỗ trợ quan trọng như:

- Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất

- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ

- Miễn, giảm lãi phí ngân hàng

- Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

- Hỗ trợ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (hoặc cho nợ lâu dài)

- Tạm dừng, đóng BHXH, kinh phí công đoàn

- Không tăng chi phí điện, nước

PGS. TS. Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Quốc Dân) - chuyên gia kinh tế nhận định: "Để khắc phục các khó khăn mà do dịch bệnh gây ra, Chính phủ đang tập trung toàn bộ nguồn lực vào trong đầu tư phòng chống dịch. Đây có lẽ là một giải pháp trọng tâm, một hành động trọng tâm tăng phần cơ hội cho nền kinh tế sớm phục hồi".

Đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp đã vượt qua cú sốc thế nào? - Ảnh 5.

PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp

Cũng theo chuyên gia, Chính phủ cũng tập trung vào các giải pháp để làm giảm bớt những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản đóng góp, những chi phí mà đang tạo ra những gánh nặng doanh nghiệp, ví dụ như thuế, phí, chi phí trực tiếp khác, để làm sao doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì nhưng lại không bị những gánh nặng này. Thì đây là những chính sách sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp tục tồn tại, tiếp tục duy trì hoạt động được vượt qua thời kì khủng hoảng khó khăn hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước