Một dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho cả 3 Nghị định trước đây là Nghị định 80, 95 và 83 đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến. Trong đó một số nội dung mới được nhiều doanh nghiệp quan tâm như cơ chế hình thành giá xăng dầu, hệ thống phân phối xăng dầu ra thị trường. Ngay trong sáng nay (14/5), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị định này.
Dự thảo quy định, thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối, không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau, trong khi quy định cũ là có. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này là hạn chế quyền của thương nhân phân phối.
Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết: "Tôi đánh giá đây là một sự hạn chế về cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ 2 là phân biệt đối xử với các doanh nghiệp. Tại sao các thương nhân đầu mối được quyền mua bán lẫn nhau, nhưng xuống đến thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ mỗi kênh đầu mối? Nó giống như một cuộc đua chuột, chỉ được đi thẳng, không được rẽ trái rẽ phải. Như vậy chúng tôi cạnh tranh ở điểm gì khi chỉ mua từ các thương nhân đầu mối".
Trước nay, giá xăng dầu do nhà nước quy định. Tuy nhiên, trong dự thảo mới, Nhà nước sẽ chỉ đưa ra mức giá thế giới bình quân cũng như tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận cùng các chi phí khác như thuế, phí, còn việc tính toán mức giá cụ thể sẽ do doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định. Tuy nhiên, nếu xác định vậy thì lại chưa có vai trò của khâu bán lẻ. Do đó, có thể dẫn đến việc bỏ qua các chi phí của nhóm doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp đề xuất quy định rõ định mức kinh doanh, hay còn gọi là chiết khấu lợi nhuận ở từng khâu.
Tính đúng, tính đủ chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến
"Một lít như vậy thì chúng tôi sẽ mất gần 1.300 đồng/lít. Tương đương 5,6%. Như vậy, tính giá trung bình hiện tại là 23.540 đồng thì chi phí cho một lít xăng là 1.300 đồng. Do đó, chúng tôi đề nghị, chi phí kinh doanh tối thiếu, hay còn gọi là chiết khấu dành cho doanh nghiệp bán lẻ, phải rơi vào tối thiểu là 5,6% để đạt điểm hoà vốn", bà Trần Thụy Thuỳ Trâm - Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại Đoan Việt chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Ngoài ra vừa rồi có thêm chi phí xuất hóa đơn chưa được cấu thành vào giá thành sản phẩm, tức là chi phí bán hàng trên từng lần mã bơm. Như các đại lý bán lẻ, khách hàng vào mua hàng chỉ mua 10.000đ - 30.000đ cũng phải xuất hóa đơn, trong khi chi phí cho mỗi tờ hoá đơn là khoảng 60đ – 100đ. Cái này đề nghị các doanh nghiệp đầu mối bán lẻ phải tính vào cơ cấu giá".
Ngoài ra, còn một số điểm được doanh nghiệp đóng góp ý kiến nhiều. Ví dụ như là thời gian điều hành xăng dầu, nên là 7 ngày hay 15 ngày. Trên thực tế, chu kỳ điều hành rút ngắn xuống còn 7 ngày như hiện nay đã làm giảm được mức biến động, việc điều hành giá chủ động, linh hoạt hơn theo giá thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!