Đảm bảo nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 06/02/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngành Công Thương đang đẩy mạnh tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất cho ngành công nghiệp.

Đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết là một trong những nội dung trong Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ đang được các Bộ, ngành tập trung triển khai.

Năm 2022, sản xuất công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Để tiếp tục tăng trưởng và đạt được những mục tiêu của năm nay, ngành này đang và sẽ tiếp tục phải vượt qua nhiều khó khăn, trong đó cần chủ động được nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Dệt may và da giày năm 2022 đã đạt kim ngạch xuất khẩu 71 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Ngành da giày những năm qua cũng đã dần chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước lên đến gần 65%. Tuy nhiên, sau đại dịch và những biến động trên thế giới, nguồn nguyên phụ liệu trong nước nay chỉ còn đáp ứng được 50%, còn lại phải nhập khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho ngành da giày (đơn vị làm dây giày, đế giày, làm da giày…) 90% ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau năm vừa qua 1/3 số doanh nghiệp này đã rút khỏi thị trường ảnh hướng lớn tới toàn ngành nói chung. Để quay trở lại thị trường họ đang rất cần những sự hỗ trợ về vốn, về mặt bằng và về công nghệ…

Còn đối với ngành thép, mỗi năm vẫn đang phải nhập khẩu từ 16 - 18 triệu tấn quặng sắt phục vụ luyện thép trong nước. Gần đây, giá quặng trên thế giới thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thép sản xuất tại Việt Nam.

Đảm bảo nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngay những ngày đầu năm, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp, bám sát tình hình thế giới, tình hình mở cửa của thị trường Trung Quốc để thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường nguồn cung nguyên vật liệu.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: "Hiện nay Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành quy hoạch thăm dò khai thác và chế biến các loại khoáng sản, đưa một số mỏ có trữ lượng lớn vào để giảm cái lượng phải nhập khẩu. Trong chiến lược dệt may da giày cũng đề cập đến hỗ trợ về tài chính, xây dựng những khu cụm công nghiệp tập trung doanh nghiệp phụ trợ cho dệt may da giày và một số lĩnh vực khác".

Trong dài hạn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, trong đó tập trung vào công nghiệp vật liệu, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, tạo cơ sở pháp lý bền vững phát triển các ngành này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước