Ngày 22/3, đồng thời với việc công bố đánh thuế các mặt hàng Trung Quốc, Mỹ cũng chính thức gửi đơn tới WTO về cáo buộc Trung Quốc hành xử không công bằng trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những lời lẽ đanh thép.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ ra thông báo: "Trung Quốc đã liên tục vi phạm các quy định của WTO, ngăn trở các doanh nghiệp Mỹ được thực thi quyền bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình khi đối tác Trung Quốc hết hợp đồng thuê bản quyền".
Lẽ dĩ nhiên phía Trung Quốc cũng không ngồi yên khi không chỉ bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ, chỉ trong ngày 5/4, nước này cũng liên tiếp gửi 2 khiếu nại tới WTO, nhằm xem xét 2 quyết định đánh thuế áp thuế nhập khẩu nhôm thép cũng như quyết định đánh thuế 50 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo: "Chúng tôi tỏ ra đặc biệt lo ngại với các động thái nhằm vào một số mặt hàng nhất định có xuất xứ từ Trung Quốc, đó là sự vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại đa phương".
Những động thái này của Mỹ và Trung Quốc đều được xem là nhằm chính thức hóa các tranh chấp, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác thương mại lớn khác. Trong khi Mỹ có sự góp sức của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề sở hữu trí tuệ, Trung Quốc lại lên tiếng thúc giục các nước chống lại các động thái "mang tính bảo hộ" ngành nhôm thép từ phía Mỹ.
Dù vậy, không nhiều người đánh giá rằng cả Mỹ và Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp thông qua sự phán xử của WTO. Một minh chứng chứng minh cho điều này là không nước nào đưa ra những thiệt hại cụ thể đối với mình trong các cáo buộc. Việc chưa đưa các động thái áp thuế lẫn nhau vào hiệu lực cũng được xem là dấu hiệu cho thấy cả hai nước đang trông đợi một cuộc đàm phán nhiều hơn - điều cũng được chính những người trong cuộc thừa nhận.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói: "Sẽ chẳng bất ngờ gì nếu sau cùng chúng tôi bước vào một cuộc đàm phán cho vấn đề này dù lộ trình vẫn chưa rõ ràng bởi vấn đề là rất phức tạp".
Cơ chế của WTO cũng cho phép các nước có 60 ngày kể từ khi gửi khiếu nại để tự dàn xếp các vấn đề được đưa ra. Do đó, mọi người không có nhiều lý do để tin rằng tổ chức này sẽ phải thực hiện chức năng là "người phán xử" cao nhất với những đối đầu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!