Đạo luật CHIPS và Khoa học là một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Mỹ nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành nước dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ, mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới.
Đạo luật này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật từ ngày 9/8/2022 và vào thời điểm đó, quy mô của đạo luật lên tới 280 tỷ USD, trong đó riêng phần dành cho sản xuất chất bán dẫn đã lên tới 39 tỷ USD, một khoản tiền rất lớn.
Các điều kiện của Đạo luật CHIPS và Khoa học
Tuy nhiên đến ngày 28/2, Mỹ mới công bố các điều kiện chi tiết của đạo luật và đúng như câu nói quen thuộc của người dân Mỹ: "Không có bữa trưa nào là miễn phí", đạo luật đã đi kèm với rất nhiều ràng buộc đối với các công ty muốn nhận trợ cấp khi đặt nhà máy sản xuất tại Mỹ.
Để nhận được gói trợ cấp từ đạo luật CHIPS và Khoa học, các công ty đăng ký cần thỏa mãn 2 điều kiện quan trọng.
Thứ nhất, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty muốn nhận trợ cấp trên 150 triệu USD phải công khai kế hoạch đầu tư cụ thể, bao gồm cả dòng tiền, lợi nhuận, và trao cho các cơ quan giám sát của Mỹ quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu trong hoạt động sản xuất. Đây là yếu tố nhạy cảm với các công ty sản xuất chip nước ngoài như Hàn Quốc do lo ngại tiết lộ bí mật công nghệ. Đồng thời, nếu công ty thu về lợi nhuận vượt mong đợi, họ sẽ phải nộp lại 75% số tiền trợ cấp cho chính phủ Mỹ.
Thứ hai, Mỹ tái khẳng định nguyên tắc loại các doanh nghiệp có ý định tăng quy mô sản xuất và đầu tư ở các quốc gia gây lo ngại về an ninh. Điều đó có nghĩa là để nhận được trợ cấp, các công ty sản xuất bán dẫn không thể mở rộng đầu tư ở Trung Quốc trong vòng 10 năm, một trong những cứ điểm sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Lo ngại về điều kiện khắt khe từ gói trợ cấp tại Mỹ
Nhiều công ty công nghệ lớn đang lo ngại về các điều kiện khắt khe từ gói trợ cấp tại Mỹ, trong đó có việc phải chia sẻ các thông tin về sản xuất với chính phủ Mỹ.
Mỹ yêu cầu các công ty công nghệ chia sẻ thông tin để nhận được trợ cấp. Theo Bộ thương mại Mỹ, điều này nhằm bảo vệ từng đồng tiền thuế của người dân.
Đạo luật CHIPS và Khoa học hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp muốn nhận được hơn 150 triệu USD tài trợ phải nộp kế hoạch chia sẻ cho chính phủ Mỹ về hoạt động sản xuất, một phần của bất kỳ dòng tiền hoặc lợi nhuận nào vượt quá mức họ đăng ký.
Mỹ đang tận dụng triệt để vị thế của cường quốc kinh tế mạnh nhất cũng như thị trường lớn nhất thế giới để thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip. (Ảnh minh họa - Ảnh: solvay.com)
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng phải cam kết, trong tương lai, sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bao gồm chương trình nghiên cứu và phát triển hay hỗ trợ các doanh nghiệp khác tại Mỹ.
Ngoài ra, các công ty nhận hỗ trợ cũng bị cấm sử dụng tiền này để mua cổ phiếu của họ trong 5 năm. Do đó, các doanh nghiệp dù lo ngại, vẫn cần phải đáp ứng các tiêu chí trên. Đến nay, các công ty bán dẫn ở Mỹ đã công bố hơn 40 dự án mới, với trị giá khoảng 200 tỷ USD.
Các công ty Hàn Quốc quan ngại về CHIPS và Khoa học
Đến thời điểm này, Hàn Quốc là nước đã công khai bày tỏ lo ngại về các điều kiện đối với gói trợ cấp của chính phủ Mỹ, do sản xuất chip là một trong những lĩnh vực chủ lực của kinh tế Hàn Quốc, đồng thời các công ty Hàn Quốc cũng đang có rất nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư tại Trung Quốc.
Theo Thời báo Phố Wall, các công ty bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Việc không đầu tư vào chuỗi cung ứng bán dẫn tại Mỹ hoặc không nhận trợ cấp có thể dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với giới chức Mỹ.
Trong khi đó, việc nhận trợ cấp có thể dẫn tới tình trạng mất nhiều hơn được, do các yêu cầu khắt khe về chia sẻ lợi nhuận và cung cấp thông tin.
"Điều khoản chia sẻ lợi nhuận về cơ bản sẽ lấy lại những gì mà chính phủ Mỹ đã cho đi thông qua các khoản trợ cấp. Yêu cầu về cung cấp thông tin cũng khiến các doanh nghiệp lo ngại. Đúng là mọi chính sách trợ cấp đều có đi kèm theo các điều kiện tiên quyết, nhưng những gì mà chính phủ Mỹ yêu cầu ở đây là quá nhiều và vượt quá mức cần thiết", ông Kim Yang Paeng, Nhà nghiên cứu cấp cao, Viện Kinh tế công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, đánh giá.
Bên cạnh đó, yêu cầu về việc không tiến hành nghiên cứu chung hoặc chuyển giao công nghệ trong vòng 10 năm với các quốc gia mà Mỹ cho là đáng lo ngại, cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các công ty Hàn Quốc tại thị trường quan trọng Trung Quốc.
Theo Nikkei, cả Samsung và SK đều sản xuất khoảng 40% các loại chip nhớ quan trọng tại các nhà máy ở Trung Quốc, nơi sử dụng những thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất.
Dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc sẽ đến Washington trong tuần này để gặp gỡ các quan chức chính phủ Mỹ và thảo luận về những rủi ro mà các quy định mới có thể mang lại cho doanh nghiệp nước này.
"Có nhiều điều kiện bất thường, hoàn toàn khác với những khoản trợ cấp mà chúng tôi thường cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang thảo luận về các điều khoản này với các đối tác Mỹ", ông Lee Chang Yang, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho biết.
Việc giải quyết những bất đồng với Hàn Quốc sẽ là thách thức lớn chính quyền Tổng thống Biden cần giải quyết, để có thể vừa thúc đẩy chuỗi cung ứng bán dẫn tại Mỹ, vừa thuyết phục được các đồng minh tham gia vào nỗ lực hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Tầm nhìn của nước Mỹ đối với ngành bán dẫn trong thập niên tới
Có thế thấy chính quyền Mỹ muốn tận dụng tối đa những lợi ích gói hỗ trợ cho ngành bán dẫn mang lại. Họ vừa muốn thu hút đầu tư vào Mỹ, vừa muốn quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ.
Đây cũng chính là chiến lược để dẫn đầu trong ngành bán dẫn chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra. Đạo luật CHIPS và Khoa học là một chiến lược rất quan trọng để Mỹ giành lại vị thế vốn có trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Vậy tầm nhìn của nước Mỹ đối với ngành bán dẫn trong thập niên tới sẽ là như thế nào?
Đi kèm với Đạo luật CHIPS, Mỹ cũng đưa ra tầm nhìn đối ngành công nghiệp quan trọng này trong 10 năm tới, đó là Mỹ hướng tới đạt được 4 mục tiêu lớn. Một là, Mỹ có ít nhất 2 cụm quy mô lớn gồm các nhà máy logistics hàng đầu. Hai là, Mỹ sẽ là nơi có nhiều có sở đóng gói tiên tiến, khối lượng lớn. Thứ ba là các nhà máy có trụ sở tại Mỹ sẽ sản xuất các chip bộ nhớ hàng đầu, khối lượng lớn theo các điều kiện cạnh tranh về kinh tế. Cuối cùng, Mỹ sẽ tăng năng lực sản xuất đối với thế hệ chip hiện tại, duy trì vị thế dẫn đầu trong công nghệ chất bán dẫn hỗn hợp và các loại chip đặc biệt khác.
Để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này, chính quyền Mỹ đang tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác với các đối tác, đồng minh, tập trung xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao; cắt giảm thời gian và chi phí xây dựng nhà máy, cũng như thực thi các hàng rào bảo vệ. Điều này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.
Có thể thấy Mỹ đang tận dụng triệt để vị thế của cường quốc kinh tế mạnh nhất cũng như thị trường lớn nhất thế giới để thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip, trong khi làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh. Việc thâm nhập thị trường Mỹ là điều bắt buộc cho các công ty công nghệ nước ngoài để tiếp tục đứng vững trong ngành sản xuất bán dẫn, nhưng cùng với đó sẽ là những đánh đổi và lựa chọn khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!