Trở ngại với chiến lược phát triển bán dẫn của Trung Quốc

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 10/03/2023 13:52 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ Hà Lan mới đây cho biết sẽ áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip thiết yếu ra nước ngoài để "bảo vệ an ninh quốc gia".

Động thái này được cho là sẽ tạo ra thách thức lớn đối với chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, các lệnh hạn chế xuất khẩu máy in khắc tia cực tím sâu DUV sẽ được công bố trước mùa hè năm nay. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, chính sách mới được cho là sẽ nhắm vào các nỗ lực của nước này nhằm vượt Mỹ và phương Tây trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

"Hà Lan cho rằng dựa trên cơ sở an ninh quốc gia và quốc tế, điều cần thiết nhất là công nghệ này phải được kiểm soát càng sớm càng tốt", bà Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, cho biết.

Trở ngại với chiến lược phát triển bán dẫn của Trung Quốc - Ảnh 1.

Việc không thể tiếp cận được các công cụ sản xuất chip tiên tiến sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và bắt kịp các đối thủ. (Ảnh minh họa - Ảnh: asiafinancial)

ASML - công ty hàng đầu thế giới về công cụ sản xuất chip của Hà Lan được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các biện pháp hạn chế mới, bởi Trung Quốc hiện đang là thị trường hàng đầu của hãng này. Kết quả kinh doanh của ASML trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 25% như dự kiến.

"Giống như năm 1973 khi khủng hoảng dầu mỏ xảy ra, dầu mỏ từ chỗ luôn sẵn có đã trở thành một mặt hàng chiến lược, bị giành giật giữa các nước. Điều tương tự cũng đang xảy ra hiện nay với chip", ông Peter Wennink, Giám đốc công ty ASML, cho hay.

Đối với Trung Quốc, việc không thể tiếp cận được các công cụ sản xuất chip tiên tiến sẽ khiến các doanh nghiệp nước này gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và bắt kịp các đối thủ. Chính phủ Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng phản đối ý định của chính phủ Hà Lan.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối việc can thiệp vào hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như hủy hoại sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Hành vi này không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào", bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh.

Động thái của Hà Lan được cho là ủng hộ bước đi trước đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hồi tháng 10/2022, Washington đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc, đồng thời thuyết phục các đồng minh cùng tham gia nỗ lực của mình. Sau Hà Lan, Nhật Bản dự kiến sẽ công bố các thay đổi về chính sách xuất khẩu thiết bị sản xuất chip trong tuần này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước