Đặt mục tiêu đạt 11 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2030

Thùy Linh-Thứ bảy, ngày 30/12/2023 07:03 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726, phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 .

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030

Theo chiến lược được phê duyệt, mục tiêu tổng quát là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK ổn định), an toàn, lành mạnh; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú ý nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giảm sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Tăng thanh tra, xử phạt

Một trong những giải pháp của Chiến lược là tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo đó, sẽ kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật.

Xây dựng hệ thống giám sát kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường.

Áp dụng phương thức giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo sớm, đảm bảo giám sát hiệu quả, toàn diện, hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới TTCK, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của TTCK.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo TTCK vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu, dự báo và giám sát TTCK.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi các quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường.

Giải pháp khác của Chiến lược là tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung.

Cụ thể, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, trong đó, về phát triển thị trường cổ phiếu, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán

VTV.vn - Thị trường chứng khoán sau khi có sự phục hồi ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2023, đã quay đầu giảm mạnh và sau đó có sự đi ngang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước