“Đau đầu” với doanh nghiệp FDI "bỗng dưng mất tích"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 30/11/2018 10:28 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn đang là bài toán “đau đầu” với cơ quan quản lý.

Báo Đầu tư đã dùng hình ảnh "xác sống" để gọi những doanh nghiệp FDI "đã chết" nhưng vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng, những khoản nợ hàng tỷ đồng cho các chủ nợ và người lao động. Căn nguyên bất đầu từ việc Hội nghị chủ nợ công ty TNHH Vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) mới đây đã chính thức thống nhất cho doanh nghiệp này phá sản, sau nhiều năm ngập trong nợ nần đóng cửa không còn hoạt động. Sau khi phá sản, đáng lý tài sản của công ty sẽ được thanh lý để trả cho các chủ nợ, tổng nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kiểm kê tài sản còn lại tại công ty này chỉ có giá trị hơn 34,8 tỷ đồng sẽ không đủ để trả nợ. Chủ doanh nghiệp không còn ở Việt Nam, hậu quả những người ở lại sẽ phải gánh.

Vàng Bồng Miêu cũng không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất "bỗng dưng biến mất". Vào đầu tuần này, Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đã chính thức ra văn bản truy tìm tung tích công ty TNHH MTV TBO Vina. Chủ doanh nghiệp và Giám đốc điều hành của công ty đã bỏ về nước, để lại các khoản nợ lên đến 15 tỷ đồng, khiến hàng trăm công nhân đã kéo đến cổng công ty đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Thống kê trên cổng thông tin về đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ trong 2 năm trở lại đây đã có 84 doanh nghiệp FDI bị dán lệnh truy nã.

Thời báo kinh tế Sài Gòn cũng phải đau đầu thay các cơ quan quản lý trước tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Hàng loạt các câu hỏi như khởi kiện doanh nghiệp bỏ trốn thế nào? Thanh lý tài sản ra sao? Giải quyết chế độ và việc làm cho người lao động cách nào?

Vì không có quy định cụ thể nên khi doanh nghiệp FDI "bỗng dưng mất tích", cơ chế giải quyết đều tự phát, thậm chí có địa phương phải trích ngân sách ra để trả lương cho người lao động, hay vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển lao động tại công ty bỏ trốn.

Vậy làm sao để doanh nghiệp FDI không thể dễ dàng bỏ trốn? Bài báo cho rằng lỗ hổng nằm ở chính cách thức quản lý và kiểm soát các doanh nghiệp này. Đơn cử như Luật Đầu tư 2014 quy định đảm bảo tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Như vậy, khi nhà đầu tư "trốn nợ", tài sản của họ để lại Nhà nước không thể động vào. Về mặt tích cực, điều này sẽ tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại là rào cản cho chính chúng ta khi xử lý các hậu quả phát sinh về sau. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chỉ đi thuê tài sản, thuê nhà xưởng, thuê máy móc nên khi họ bỏ trốn, hậu quả chỉ có những người ở lại lãnh đủ.

Vì vậy, cần phải có chế tài mạnh hơn chẳng hạn cần phải có một quy định định nghĩa thế nào là doanh nghiệp FDI bỏ trốn, tức lãnh đạo rời công ty bao nhiêu ngày, tình trạng hoạt động kinh doanh thế nào. Đặc biệt, cần tăng cường rà soát, kiểm tra "sức khỏe" của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường để xử lý kịp thời. Ngoài ra, chính những người lao động, nếu bạn đang làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài, mà bị nợ lương kéo dài, hãy nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng để kịp thời có giải pháp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước