Một số đơn vị đã sử dụng các linh kiện rời, lắp ráp thành thang máy hoàn chỉnh rồi gắn nhãn hiệu Mitsubishi để tiêu thụ trong nước. Đại diện Mitsubishi tại Việt Nam đã gửi công văn tố giác đề nghị cơ quan công an vào cuộc bởi hành vi này không chi gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu công nghiệp đã được pháp luật bảo hộ. Đây không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp mà nó còn là bài học chung khi tình trạng làm ăn dối, lợi dụng, giả mạo các thương hiệu uy tín ngày càng phổ biến.
Hợp đồng kinh tế giữa Công ty Vạn Lộc Phát với Công ty Hùng Quang, trong đó ghi rõ, 4 thang máy công ty Hùng Quang cung cấp là của thương hiệu Mitsubishi. Kèm theo phụ lục hợp đồng cũng có ghi mã hiệu thang của Mitsubishi sản xuất năm 2017.
Với những thông tin này, ai cũng hiểu rằng đó là thang máy chính hãng nhưng khi đối chiếu mã sản phẩm trong hợp đồng thì không phải do Mitsubishi sản xuất và cung cấp.
Không chỉ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo luật sư Bùi Khắc Toản, đoàn luật sư TP.HCM, hành vi bán thang máy giả nhãn hiệu Mitsubishi của Công ty Hùng Quang cũng gây thiệt hại cho hai chủ thể gồm Công ty Vạn Lộc Phát (bên mua) và hãng thang máy Mitsubishi. Do đó, cả hai chủ thể này đều có quyền tố giác, yêu cầu cơ quan công an xử lý.
Ngoài ra, đối với hành vi mua linh kiện rời về lắp thành thang máy mang thương hiệu Nhật Bản còn có dấu hiệu vi phạm tương ứng tội "sản xuất, buôn bán hàng giả" theo điều 192 Bộ Luật Hình sự.
Đại diện Mitsubishi tại Việt Nam cho biết, đơn vị này đã tiến hành khởi kiện công ty Hùng Quang và đã gửi công văn tố giác lên Cục cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đơn vị này sẽ phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương để điều tra làm rõ vụ việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!