Dầu Nga vượt ngưỡng “giá trần” do G7 áp đặt

Nhật Linh (PV Đài THVN thường trú tại Nga)-Thứ ba, ngày 18/07/2023 09:41 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày vừa qua, giá dầu Urals của Nga đã tăng hơn 60 USD/thùng, vượt qua mức giới hạn do các nước G7 áp đặt.

Giá dầu Nga đã tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với thị trường năng lượng Nga. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, giá dầu Urals đạt 60,78 USD/thùng tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen vào ngày 12/7. Trong bối cảnh OPEC+ giảm sản lượng giao hàng, xuất khẩu dầu Nga cũng bắt đầu giảm gây thêm áp lực lên giá.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu Nga trong tháng 6 đã giảm 600.000 thùng/ngày, xuống chỉ còn 7,3 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Thu nhập xuất khẩu giảm 1,5 tỷ USD xuống còn 11,8 tỷ USD. Đây chỉ là một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tờ Kommersant cho biết, Nga gần như hoàn thành cam kết cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ. Xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga trong tháng 8 có thể giảm xuống mức tối thiểu hàng năm là 2,9 - 3 triệu thùng/ngày, chủ yếu qua các cảng biển Baltic.

Dầu Nga vượt ngưỡng “giá trần” do G7 áp đặt - Ảnh 1.

Các máy bơm dầu tại giếng dầu ở Krasnodar, Nga. (Ảnh: Sputnik)

Theo Ria Novosti, gần 40 triệu tấn dầu và các sản phẩm dầu đã được chuyển hướng từ các thị trường phương Tây sang phương Đông trong năm ngoái. Trước hết là Ấn Độ và Trung Quốc, với gần 80% lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Lượng giao hàng cho Ấn Độ tăng 19 lần, lên tới 41 triệu tấn, sang Trung Quốc tăng 28%, lên tới 89 triệu tấn. Lúc đầu, dầu thô được bán với giá chiết khấu đáng kể. Tuy nhiên, gần đây chiết khấu cho New Delhi đã giảm 7 lần.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, mức chiết khấu giảm dần trong bối cảnh OPEC + cắt giảm sản lượng và với nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc sau đại dịch. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của Nga và các đối tác đã thích nghi với hoàn cảnh mới thiết lập hậu cần, trả cước vận chuyển và bảo hiểm. Với tất cả các điều kiện này, nhu cầu giảm giá lớn đã không còn.

Nguồn thu ngân sách Nga từ dầu khí đã giảm tháng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 4 năm nay. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các nước OPEC+ hạn chế khai thác dầu mỏ, chỉ có 2 yếu tố chính có thể tăng thu ngân sách dầu khí là giá dầu tăng và đồng Ruble mất giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước