Một tàu chở dầu tại cảng Kozmino, Nga. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Lượng xuất khẩu tổng thể gồm dầu thô và dầu nhiên liệu trong tháng 1 từ Nga sang Trung Quốc đạt mức 1,66 triệu thùng/ngày, cao hơn kỷ lục trước đó hồi tháng 4/2020.
Kim ngạch với mặt hàng dầu nhiên liệu cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại. Theo đó, xuất khẩu dầu nhiên liệu của Nga sang Trung Quốc trong tháng 1 đạt 142.000 thùng/ngày.
Xu hướng này diễn ra khi Trung Quốc - nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới tái mở cửa nền kinh tế, trong khi Nga đang chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường châu Á, với lợi thế là mức giá rẻ hơn so với các mặt hàng dầu tiêu chuẩn quốc tế.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023, trên cơ sở nhu cầu của Trung Quốc tăng.
Do bị phương Tây "tẩy chay", nhất là sau khi lệnh cấm vận dầu Nga vận chuyển bằng đường biển chính thức được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ đầu tháng 12/2022 kèm theo một trần giá dầu Nga do nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, Nga đã phải chào giá bán dầu với mức chiết khẩu (discount) lớn so với giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu toàn cầu - để thu hút khách mua.
Các nhà giao dịch tiết lộ với Reuters cho biết, giá dầu Urals và Epso của Nga gần đây được chào bán với giá thấp hơn tương ứng 13 USD/thùng và 8 USD/thùng so với giá dầu Brent tính ở mốc giao hàng.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn số liệu từ công ty Argus Media nói rằng trong tháng 1 vừa qua, giá dầu Urals có thời điểm rẻ hơn tới 40 USD/thùng so với giá dầu Brent. Dù với chênh lệch nào, giá dầu Nga vẫn rẻ hơn so với các loại dầu tương tự của Tây Phi được chào với giá gần như ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn giá dầu Brent.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã không chỉ thay đổi thị trường năng lượng, mà còn ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế của nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt là châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!