Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới chìm trong sắc đỏ. Lực bán hoàn toàn áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1% xuống mức 2.136 điểm.
Đáng chú ý, có đến 4 trong 5 mặt hàng thuộc nhóm năng lượng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 1%, chốt phiên, giá dầu WTI giảm về mức 74,5 USD/thùng, giá dầu Brent quay về mức 78,6 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index năng lượng cũng bị kéo giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất một tuần qua là 3.173 điểm.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thế giới nối dài đà suy yếu trong bối cảnh số liệu tồn kho của Mỹ giảm ít hơn so với kỳ vọng cùng với áp lực trong bài toán tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc.
Có một số ý kiến cho rằng, lo ngại về nhu cầu dầu tại thị trường Trung Quốc cũng tạo sức ép lên giá dầu sau khi dữ liệu gần đây chỉ ra nền kinh tế nước này vẫn đang gặp khó khăn. Giới chuyên gia dự báo nhu cầu dầu của nước này khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
Lo ngại về nhu cầu dầu tại thị trường Trung Quốc cũng tạo sức ép lên giá dầu
Tuy nhiên, đến chiều ngày 29/8, giá dầu tăng nhẹ, sau hai phiên giảm liên tiếp trước đó. Sự đảo chiều của giá dầu xuất phát từ những lo ngại về rủi ro nguồn cung ở Trung Đông bị thu hẹp, bởi căng thẳng leo thang. Nhưng do lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự kiến, nên kỳ vọng về nhu cầu dầu cũng không thực sự cao.
Trong phiên chiều nay, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 15 xu USD, tương đương 0,19%, đạt 78,8 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 27 xu USD, tương đương 0,36%, lên 74,79 USD/thùng.
Một số mỏ dầu ở Libya, thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã buộc phải ngừng sản xuất trong bối cảnh các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn không ngừng tranh chấp để giành quyền kiểm soát Ngân hàng trung ương Libya (CBL) và nguồn thu từ dầu mỏ.
Sản lượng khai thác dầu của Libya trong tháng 7 là khoảng 1,18 triệu thùng. Theo ước tính sản lượng dầu bị ngừng khai thác có thể ở mức từ 900.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày, với thời gian gián đoạn kéo dài trong vài tuần. Sự vụ này đe dọa gây ra hiệu ứng lan tỏa đến các kế hoạch sản xuất của OPEC và các liên minh, còn gọi là OPEC+.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING nhận định việc đóng cửa các giếng dầu tại Libya sẽ giúp OPEC+ có nhiều không gian hơn cho quyết định tăng nguồn cung trong quý IV/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!