"Đầu tàu kinh tế" TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 06:22 GMT+7

VTV.vn - Tổng sản phẩm địa phương của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh hơn 5,8% trong quý II, đã kéo tăng trưởng kinh tế thành phố nửa đầu năm lên mức hơn 3,5%.

Dịch vụ - Bệ đỡ phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh

Từ mức tăng trưởng thấp ngoài dự báo trong quý I, kinh tế TP Hồ Chí Minh trong quý II đã khởi sắc hơn và được nhận định là đã lấy lại được đà tăng trưởng. Theo các chuyên gia, cùng với sự điều hành của Chính phủ với nhiều giải pháp gỡ khó thì "nội lực" của kinh tế thành phố với cộng đồng hơn 250.000 doanh nghiệp đã được phát huy trong 3 tháng qua.

Trong đó, ngành dịch vụ vốn chiếm hơn 60% cơ cấu kinh tế thành phố đã trở thành bệ đỡ quan trọng cho sự phục hồi, khi riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố đã tăng hơn 4,9%, cho thấy sức cầu tiêu dùng đã cải thiện.

Theo các nhà bán lẻ, yếu tố quan trọng nhất để giúp bán lẻ hàng hoá có mức tăng trưởng hơn 7% so với năm ngoái chính là tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng đã cải thiện. Một mặt, các nhà bán lẻ đã thiết kế các chương trình khuyến mãi thực chất hơn, danh mục trong giỏ hàng người tiêu dùng cũng phải tập trung nhiều vào hàng hoá thiết yếu, hàng bình ổn giá.

Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Dịch vụ là bệ đỡ phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo doanh nghiệp, sự tăng trưởng ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, giúp các doanh nghiệp có cơ sở để hoàn thành kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tốc độ tăng trưởng ở quý II khởi sắc đồng đều hơn, với sự dẫn dắt chủ yếu là thị phần ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dẫn đến tốc độ tăng trưởng ở các chuỗi trên cả nước. Kỳ vọng của chúng tôi là đạt tăng trưởng ở 2 con số, chất lượng tăng trưởng cũng tăng lên".

Sự bứt phá ở nửa đầu năm cũng giúp doanh thu của nhiều công ty du lịch phục hồi 80 - 90% so với thời điểm trước dịch. Các doanh nghiệp cho biết, đang tận dụng chính sách hỗ trợ mới như nới lỏng điều kiện visa, giảm 2% thuế giá trị gia tăng... để khai thác tối đa lợi thế trong cao điểm du lịch hè.

Với đà tăng của khu vực dịch vụ, Tháng khuyến mại tập trung mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai sẽ kéo dài suốt 3 tháng hè, thay vì 1 tháng như trước đây. Đã có gần 300 sự kiện khuyến mại lớn được doanh nghiệp đăng ký triển khai, định hướng phát triển thành địa điểm du lịch, mua sắm hấp dẫn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thời gian dài như vậy cần có điểm nhấn để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ví dụ Chương trình du lịch sông nước mà Sở Công Thương sẽ kết hợp Sở Du lịch thực hiện. Tập trung vào các sản phẩm, hàng hoá có thương hiệu, từng bước hình thành thương hiệu mua sắm của TP Hồ Chí Minh".

Bên cạnh đó, hai chính sách quan trọng là lương cơ sở tăng, thuế giá trị gia tăng giảm, đều có hiệu lực từ đầu tháng 7. Do vậy, các Sở ngành sẽ phối hợp với doanh nghiệp trong việc đăng ký giá, kê khai hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng và mở rộng các chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua.

Cải thiện trụ cột đầu tư

Dịch vụ tiêu dùng khởi sắc là tín hiệu rất đáng mừng vì đây là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng. Từ ngày 1/7, thuế VAT giảm 2 điểm % nữa cũng hỗ trợ kích cầu tốt hơn. Nhưng còn 2 trụ cột còn lại là xuất khẩu và đầu tư tại TP Hồ Chí Minh thì sao?

Hiện xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh vẫn chịu khó khăn chung vì thị trường thế giới. Nhưng trụ cột đầu tư từng được đánh giá là điểm yếu của thành phố trong quý I thì sang đến quý II đã có sự cải thiện rõ rệt.

Ước tính đến hết tháng 6, giá trị giải ngân đầu tư công đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 23%. Dù thấp hơn mục tiêu thành phố đặt ra nhưng xét về giá trị giải ngân, con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 2.

Ước tính đến hết tháng 6, giá trị giải ngân đầu tư công đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 23%. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh với mục tiêu quan trọng nhất là khơi thông được tất cả các nguồn lực đang gặp vướng mắc để thúc đẩy thành phố phát triển, lãnh đạo chính quyền thành phố đã yêu cầu bộ máy tập trung các giải pháp để vận dụng sớm các cơ chế mới.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nói: "Đề nghị chúng ta cần phải hết sức tập trung. Chúng ta chưa thực hiện Nghị quyết 98, với khối lượng hiện tại thôi mà còn tồn đọng thì triển khai Nghị quyết 98 với tinh thần này sẽ rất khó, phải thay đổi chúng ta mới tải được công việc. Đừng để nói thêm nữa về việc sở ngành này, thành phố đang trì trệ nên việc bế tắc. Bây giờ đã có cơ chế rồi mọi việc nằm ở hành động của chúng ta".

Khơi thông vốn đầu tư xã hội hỗ trợ tăng trưởng

Bên cạnh đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân - nguồn lực đầu tư từ xã hội được xác định là có vai trò rất quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của TP Hồ Chí Minh. Nhiều giải pháp mới đang được chính quyền thành phố triển khai.

Đối với vướng mắc của các dự án, lãnh đạo chính quyền thành phố cho biết, hiện đang trong quá trình xử lý gần 90% nội dung vướng mắc của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Với nhóm doanh nghiệp nhà nước, đã giải quyết được gần một nửa số vướng mắc.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, với cơ chế đặc thù có được từ Nghị quyết 98, chính quyền sẽ bắt đầu thủ tục triển khai gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp trong tháng 9.

"Làm sao để triển khai Nghị quyết 1 cách nhanh nhất. Ví dụ như có chương trình kích cầu đầu tư, để làm sao sớm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay đang khó khăn. Chính sách này có sẽ hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp để phục hồi nhanh", bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết: "Khi Nghị quyết được thông qua thì đã có nhiều chính sách cởi mở cho TP Hồ Chí Minh để có thể thu hút các nhà đầu tư có chất lượng cao vào thành phố và thuộc các định hướng ngành lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của thành phố như công nghiệp bán dẫn, chip, hay vật liệu mới".

Đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng - Ảnh 3.

Tổng sản phẩm địa phương của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh hơn 5,8% trong quý II, đã kéo tăng trưởng kinh tế thành phố nửa đầu năm lên mức hơn 3,5%. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn trong nửa đầu năm chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ, phần nào thể hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.

Chính quyền thành phố cho biết sẽ tăng cường gấp nhiều lần các hoạt động kết nối ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Thực tế mặt bằng lãi suất hạ nhiệt thời gian gần đây cũng sẽ hỗ trợ khơi thông dòng vốn vào nửa cuối năm.

"Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm đã giúp dòng tiền dịch chuyển về các kênh đầu tư nhiều hơn. Tỷ giá ổn định cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam", ông Kang Moon Kyung - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá.

Theo giới chuyên gia, để giải pháp phát huy hiệu quả thì sự chuyển động, thay đổi từ bộ máy chính quyền theo tinh thần Nghị quyết cơ chế đặc thù là rất quan trọng, nhất là khi bối cảnh thị trường thế giới được nhận định còn nhiều khó khăn, khó lường.

Lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh đánh giá kịch bản khả quan nhất cho tăng trưởng kinh tế của thành phố năm nay là 7%, thấp hơn mục tiêu 7,5% - 8% đặt ra từ đầu năm. Để đạt được kịch bản 7% này sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tận dụng tối đa các dư địa để cải thiện tốc độ tăng trưởng như tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, giải ngân đầu tư công và cả sự hỗ trợ từ chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước