Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc cần thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng, xử lý "ngay" và "luôn" tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này để tăng cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, cơ quan này mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng.
"Đấu thầu vàng" là cụm từ được rất nhiều người quan tâm mấy ngày gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thực hiện tăng cung để giải quyết tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và giá vàng quốc tế. Đấu thầu vàng cũng tương tự như các hình thức đấu thầu khác, có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị chủ trì, cung cấp 1 lượng vàng miếng SJC ra thị trường, thông qua hình thức thầu.
Thông thường, có 2 cách. Đấu thầu về khối lượng và đấu thầu về giá. Với trường hợp đấu thầu theo giá, ví dụ Ngân hàng Nhà nước công bố có 100 lượng vàng chẳng hạn, các đơn vị tham gia sẽ đưa ra mức giá dự thầu. Ai bỏ giá cao nhất sẽ trúng, tính từ cao xuống thấp cho tới khi hết 100 lượng.
Còn với trường hợp đấu thầu theo khối lượng, các thành viên tham gia đấu thầu sẽ đăng ký khối lượng dự thầu tại mức giá mà Ngân hàng Nhà nước công bố, ai có khối lượng dự thầu phù hợp sẽ trúng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm phương án mua, bán chi tiết hơn, ví dụ như bước giá, khối lượng tối thiểu cho từng phiên.
Tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Các doanh nghiệp muốn tham gia đấu thấu vàng miếng sẽ phải đăng ký và xác thực thông tin trước khi vào phòng đấu thầu. 1 trong những vật quan trong nhất trong phiên đấu thầu, hòm phiếu sẽ là nơi để các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng bỏ đơn dự thầu vào, trong đó, có thông tin về khối lượng hoặc mức giá. Sẽ có 2 màn hình trong phòng đấu giá, 1 màn hình cập nhật giá vàng quốc tế, 1 màn hình là giá vàng trong nước, theo thời gian thực, làm cơ sở cho các đơn vị tham gia tính phương án bỏ thầu. Tổ chức tín dụng, và doanh nghiệp kinh doanh vàng có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Hiện tại có tổng 26 đơn vị đã thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong đó có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Mọi công tác để chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau hơn 10 năm đã sẵn sàng.
Từ phía các doanh nghiệp, 1 trong những doanh nghiệp đã từng tham gia đấu thầu vàng miếng cách đây hơn 10 năm. Họ cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ngay khi Ngân hàng Nhà nước mở thầu.
Ông Mai Huy Tuần - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết: "Chúng tôi cũng đang chuẩn bị nguồn lực tài chính, rất mong chờ xem lần này Ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường bao nhiêu lượng, chúng tôi căn cứ vào số đấy để chúng tôi đăng ký với Ngân hàng Nhà nước".
Doanh nghiệp cũng kỳ vọng, đấu thầu vàng đợt này sẽ giúp hạ nhiệt thị trường khi thị trường có thêm nguồn cung. Bởi 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng, nên khiến nguồn cung vàng miếng bị hạn hẹp.
"Chúng tôi nghĩ nếu có một lượng vàng của Ngân hàng Nhà nước cung ứng ra thị trường sẽ giúp bình ổn thị trường, giúp cho sự chênh lệch giữa giá vàng của Việt Nam và thế giới co hẹp lại, đúng với bản chất của thị trường hơn nhiều", ông Mai Huy Tuần - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý thông tin.
Các thành viên muốn tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc từ ngày hôm trước, sau khi Ngân hàng Nhà nước gửi thông báo về phiên đấu thầu.
Tăng cung giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế
Khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ để kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà Nước sau cuộc họp gần đây về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Cách đây hơn 10 năm, năm 2013, Ngân hàng Nhà Nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường, góp phần quan trọng ổn định thị trường, xóa bỏ dần tâm lý đầu cơ vàng của người dân. Lần này, không chỉ có tổ chức đấu thầu vàng miếng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, để ổn định thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà Nước sẽ phải tính toán rất cẩn trọng về phương thức, cũng như khối lượng đấu thầu vàng miếng sao cho phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Đồng thời, cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ đã đề ra.
Năm 2013, với việc tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng miếng ra thị trường, giá vàng trong nước đã giảm gần 12 triệu đồng/lượng cả 2 chiều mua bán so với đầu năm. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thời điểm đó khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Hiện tại, khoảng cách này, theo ước tính của Ngân hàng Nhà Nước, là 9,5 triệu đồng/lượng. Với việc Ngân hàng Nhà Nước tổ chức lại các phiên đấu thầu trong tuần này, sẽ khơi thông lại nguồn cung.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Theo tôi thì Ngân hàng Nhà Nước cũng đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải can thiệp thị trường vàng ngay và luôn. Việc đấu thầu này hy vọng sẽ giải tỏa được tâm lý người dân và nhà đầu tư ở trên thị trường vàng trong suốt thời gian qua. Nếu những phiên đấu thầu vàng diễn ra liên tục và đều đặn thì nó có thể góp phần bình ổn thị trường vàng và kéo giá vàng trong nước và về sát giá thế giới trong thời gian tới".
Việc có thêm nguồn cung vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu sẽ giải tỏa về tâm lý của người dân. Nhưng dài hơi hơn, các chuyên gia cho rằng, người dân và giới đầu tư vàng sẽ nhìn vào tần suất các phiên đấu thầu, khối lượng và giá trị trúng thầu vàng các phiên để cân nhắc, và có các động thái tiếp theo.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Tăng cung thôi là sẽ đủ. Vấn đề là cung bao nhiêu, có đủ tiêu hóa hết lượng cầu đang tăng hiện nay hay không. Đó thì nó phải phụ thuộc và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà Nước, cái thứ 2 là trạng thái cán cân thanh toán hiện nay của chúng ta".
Bên cạnh đó, việc tham gia đấu thầu vàng sẽ đòi hỏi các đơn vị tham gia có vốn lớn, nhưng lợi nhuận từ chênh lệch giá khi đem lượng vàng trúng thầu này vào kinh doanh có thể không quá lớn, cũng là yếu tố cần tính đến khi tổ chức các phiên đấu thầu. Bên cạnh đó cũng phải tính đến các giải pháp mang tính dài hạn.
"Giải pháp lâu dài, tôi vẫn cho rằng chúng ta cần phải có 1 loạt các thị trường đầu tư, để ổn định nhu cầu đầu tư của người dân. Sau đó ổn định nhu cầu mua vàng để tích trữ của người dân, chúng ta phải có cơ chế để nhập khẩu vàng dễ hơn, có thể là bên thứ 3, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà Nước", TS. Trần Nguyên Đán - Chuyên gia Tài chính cho biết.
Các chuyên gia cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc nhập thêm vàng, để tạo cung cho các phiên đấu thầu. Lượng vàng nhập về có thể giới hạn ở 10-15% thặng dư cán cân thanh toán, để không gây tác động tới tỷ giá.
Song song với các giải pháp đảm bảo nguồn cung, trong thông báo số 160 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong công tác giám sát, quản lý, nhất là cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An và các cơ quan liên quan, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!