Đến năm 2025, 100% các tuyến đường cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra tại Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ" đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Hiện thực hóa mục tiêu này đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giao thông đặt ra bởi đây cũng là giải pháp góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng của các tuyến đường.
Trung tâm điều hành khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bất cứ lúc nào cũng chỉ cần 4 đến 5 cán bộ. Thế nhưng, 58 camera giám sát giao thông trên toàn tuyến với chiều dài hơn 100 km đều được kiểm soát. Những sự cố, hay tai nạn xảy ra đều được phát hiện để đưa ra giải pháp phân luồng kịp thời. Những thông tin về tình hình giao thông trên tuyến sẽ được cán bộ cập nhật, đưa lên màn hình để lái xe sớm nhận biết. Từ đó, có thể lựa chọn lộ trình thay đổi phù hợp. Bên cạnh đó, hệ thống cân tải trọng tự động cũng được lắp đặt đồng bộ hỗ trợ cho đơn vị quản lý trong vận hành tuyến đường.
Bà Bùi Thị Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty Quản lý khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: "Hệ thống kiểm soát tải trọng sẽ kịp thời phát hiện các phương tiện quá khổ, quá tải và dữ liệu sẽ được truyền về trung tâm điều hành cũng như tại địa điểm cân giúp chúng tôi từ chối các phương tiện quá khổ quá tải, giúp bảo vệ kết cấu hạ tầng".
Hiệu quả là vậy nhưng đến nay trong tổng số hơn 30 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.829 km được đưa vào khai thác mới chỉ có 8 tuyến được đầu tư lắp đặt hệ thống giao thông thông minh. Đây là lý do Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông thông minh và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các dự án đường cao tốc, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam nhận định: "Các cao tốc giai đoạn 1 đã cơ bản cân đối đủ nguồn vốn để triển khai ngay và các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn đã trình hồ sơ để các cơ quan liên quan xem xét để duyệt. Còn đối với cao tốc giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã bắt tay vào rà soát để làm sao khi đường cao tốc giai đoạn 2 đi vào khai thác phải có ngay hệ thống ITS và hệ thống trạm cân".
Hiện những qui chuẩn tiêu chuẩn hệ thống giao thông minh cũng được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ban hành. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị dùng chung một phần mềm quản lý để đảm bảo sự kết nối. Đây là điều cần thiết bởi các trung tâm điều hành giao thông sẽ được xây dựng theo phương án ghép các tuyến cao tốc liền kề, đảm bảo trung bình từ 70 – 100 km sẽ được điều hành bởi một trung tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!