Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khởi sắc

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 29/08/2022 20:56 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như SamSung, Apple, Boeing, đều đã có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư cả về số lượng và giá trị đầu tư. Đây cũng là những nội dung nổi bật đã được truyền thông nước ngoài nhắc đến khá nhiều trong tuần qua.

30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần đến 4.000 máy bay. Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu trong việc đáp ứng nhu cầu như vậy khi có các bộ phận đang được sản xuất tại đây và hoàn toàn có cơ hội nâng cao chất lượng. Rất nhiều trang báo quốc tế tuần qua đưa tin về chiến lược mở rộng chuỗi cung ứng của Boeing tại Việt Nam.

Theo ông Craig Abler - Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng khu vực châu Á của Boeing, tập đoàn sẽ đến thăm các nhà máy tiềm năng và xây dựng đội ngũ để hỗ trợ phát triển nhà cung ứng tại Việt Nam.

Khoảng 1 năm nay, Việt Nam liên tục đón nhận các nhà đầu tư tên tuổi, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung; Apple sẽ sản xuất máy tính và đồng hồ thông minh; Nhà máy trung hoà carbon 1 tỷ USD của LEGO dự kiến khởi công vào tháng 11. Đây là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khởi sắc - Ảnh 1.

Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.

"Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời một yếu tố nữa là chi phí sản xuất ở Việt Nam, lao động thấp hơn nếu so sánh với nhiều nước khác trên thế giới, điều này khiến Việt Nam hấp dẫn FDI. Với 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi, thú vị mà đã trở thành một trong những thị trường chính đối với các công ty sản xuất toàn cầu", ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Điều hành Phòng thương mại Bắc Âu tại Việt Nam (Nordcham) đánh giá.

Thống kê 8 tháng năm nay, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, nhà đầu tư tự tin vào từng đồng vốn bỏ ra tại Việt Nam để mở rộng quy mô sản xuất, đón đầu xu hướng thời gian tới đây.

Ông Takeo Nakajima - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ xếp sau Mỹ và có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư ổn định từ Nhật Bản trong những năm tới. Quốc gia các bạn đang kiểm soát tốt lạm phát, điều mà nhiều quốc gia khu vực và toàn cầu không làm được. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam năm nay vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng 15 - 17%".

Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế và trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng với quy mô sản xuất lớn hơn và mạng lưới khách hàng rộng khắp cũng sẽ là động lực cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạng sản xuất và đầu tư công nghệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước