Hơn 1.300 tỷ đồng vốn vay ưu đãi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong khoảng 1 tháng vừa qua, theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mất việc vì dịch bệnh, anh Ngô Thế Ẩn (xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) quyết định quay trở lại quê hương. Ngay từ sớm, anh đã có mặt tại trụ sở xã để làm thủ tục vay vốn. Với đồng vốn chính sách, anh dự tính sẽ bắt đầu chăn nuôi.
"Sau khi chúng tôi nhận được chỉ tiêu nguồn vốn, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện giải ngân ngay để các hộ dân thuộc đối tượng chính sách được tổ hưởng chính sách này một cách nhanh chóng và kịp thời", ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Cùng với Tây Ninh, nhiều địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông... cũng đẩy mạnh giải ngân 3 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11, bao gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội, xây mới hay cải tạo sửa chữa nhà và cho vay học sinh, sinh viên. Tổng quy mô các chương trình này lên tới 28.000 tỷ đồng, được giải ngân trong năm nay và năm sau.
"Nguồn vốn Chính phủ đã giao chúng tôi triển khai làm hồ sơ tận nhà, giải ngân tận xã cho bà con, để bà con yên tâm sinh sống, không phải làm ăn xa; to điều kiện phương tiện học tập, máy tính cho con em còn khó khăn. Về nhà ở, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm kịp thời, hiệu quả, chính xác", ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông, cho hay.
"Có được nguồn vốn này đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số rất thuận lợi cho người dân, hỗ trợ kịp thời cho người dân để phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn", Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, Đắk Nông, nhận định.
Các gói tín dụng này có mức lãi suất ưu đãi, 1,2%/năm với học sinh, sinh viên; 4,8%/năm cho người mua nhà ở xã hội, vay tạo việc làm lãi suất được quy định theo từng thời kỳ theo lãi suất cho hộ cận nghèo. Đây được xem là động lực quan trọng để người dân, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Dòng sữa ngọt lành từ nguồn vốn vay ưu đãi VTV.vn - Nguồn vốn chính sách đang giúp cho nhiều người dân không chỉ thoát nghèo, có vốn làm ăn, mà cuộc sống trở nên khấm khá, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!