Theo đúng lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, ngay trong năm tới, lĩnh vực dịch vụ giao nhận vận tải sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó nhiều doanh nghiệp vận tải lớn trên thế giới sẽ vào Việt Nam, ngành vận tải hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Tìm giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam trước thời kỳ mà cơ hội và thách thức đan xen này là mục đích lớn nhất của cuộc hội thảo.
Các chuyên gia ngành hàng không trên thế giới nhận định, Việt Nam là một trong ba thị trường phát triển mạnh nhất thế giới trong ngành vận tải hàng không, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, hiện nay đã có trên 50 hãng hàng không quốc tế có mặt tại Việt Nam, ngành vận tải hàng không đang đạt mức độ tăng trưởng cao và ổn định. Tuy nhiên trong 800 doanh nghiệp của ngành này đang hoạt động tại Việt Nam, thì doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10% với thị phần gần 20%.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng là đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ nhân lực cho quản trị, mà từ nhân viên cấp thấp nhất như lái xe, thủ kho, lái cần cẩu máy bay, hiện tại nguồn nhân lực trong ngành vận tải hàng không tại Việt Nam chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Bên cạnh việc nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vận tải hàng không.