Đẩy mạnh liên kết vùng đồng bằng sông Hồng

Hoa Trà-Thứ sáu, ngày 31/03/2023 12:17 GMT+7

VTV.vn - Vùng đồng bằng sông Hồng hiện chiếm 29,4% GDP cả nước và còn nhiều dư địa tăng trưởng, nếu đẩy mạnh được mô hình liên kết vùng, tận dụng lợi thế của các địa phương.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị về "Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp", được tổ chức tại Thái Bình, tỉnh có vị trí địa lý quan trọng trong kết nối các địa phương trong vùng.

Vùng đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, theo các diễn giả, tính liên kết vùng ở đây mới chỉ tập trung chủ yếu ở các dự án hạ tầng giao thông. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp ở các địa phương còn chưa được triển khai nhiều, dẫn tới sự hạn chế trong chuỗi sản xuất, giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, tiêu thụ.

"Khi có liên kết vùng, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm đầu mối cung cấp nguyên liệu và việc vận chuyển cũng thuận lợi hơn nếu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ", bà Trần Thị Kim Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng, cho biết.

Đẩy mạnh liên kết vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Vùng đồng bằng sông Hồng hiện chiếm 29,4% GDP cả nước và còn nhiều dư địa tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Tôi nghĩ cần có sự liên kết giữa các nhà cung cấp nhỏ lẻ trong vùng và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý để khâu logistics được hiệu quả hơn. Đối với các nhà cung cấp địa phương, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng những tổng kho tại các vùng nguyên liệu để tập kết, phân loại phù hợp với từng loại sản phẩm", ông Tanaka Kosei, Phó Tổng Giám đốc khối Văn Phòng, AEON Việt Nam, cho hay.

Để tạo được các chuỗi liên kết mang tính bền vững, cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ; cần tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng.

"Thứ nhất, tập trung các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông kết nối, tập trung đường bộ, đường biển để tạo kết nối vùng. Thứ hai tận dụng khu kinh tế Thái Bình để xây dựng các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, công nghệ cao và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế", ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh.

Để xóa bỏ sự thiếu liên kết trong vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều giải pháp đưa ra để đầu tư hạ tầng như lập quỹ riêng của vùng, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phải hoàn thành quy hoạch địa phương, vùng để làm cơ sở thực hiện chiến lược thu hút đầu tư.

Gần 10 tỷ USD cam kết hỗ trợ và đầu tư vào vùng đồng bằng sông Hồng Gần 10 tỷ USD cam kết hỗ trợ và đầu tư vào vùng đồng bằng sông Hồng

VTV.vn - Các nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ, sẵn sàng đầu tư nhiều lĩnh vực tiên tiến, công nghệ cao tại Việt Nam

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước