Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai khi thu hút gần 766 triệu USD. Trong bối cảnh các doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục đầu tư, khơi thông dòng vốn là yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động. Mua bán, sáp nhập các dự án (M&A) đang là sự lựa chọn của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì chờ các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, bản thân các chủ đầu tư trong nước đã chủ động tiếp cận để chuyển nhượng dự án.
Sau khi hoàn tất 2 thương vụ M&A, doanh nghiệp nước ngoài cho biết, họ đang có kế hoạch tiếp cận thêm quỹ đất từ 10 - 30 ha tại các khu vực vệ tinh như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương… để tạo lập các công trình xanh theo tiêu chuẩn ESG. Còn tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, nhu cầu quỹ đất rơi vào khoảng 3 - 5 ha.
Thời điểm này, các nhà bán cần có sự linh hoạt và chủ động hoàn thiện pháp lý trước khi bắt tay nhập cuộc M&A. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Ngoài câu chuyện chúng tôi chủ động tiếp cận, cũng đã xuất hiện những kênh, các đơn vị bán chủ động tiếp cận với Gamuda Land để giới thiệu dự án. Phần lớn những dự án muốn thực hiện chuyển nhượng lại 100%. Một số đối tác họ lại muốn hợp tác cùng với chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy đây là một cơ hội có được những quỹ đất phù hợp hơn và đáp ứng được các tiêu chí", bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển Kinh doanh Công ty Cổ phần Gamuda Land, cho biết.
Ghi nhận từ Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore đang có nhu cầu mở rộng danh mục đầu tư của họ tại Việt Nam. Bên cạnh phân khúc nhà ở, văn phòng, khách sạn..., bất động sản công nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư. Trong đó, trung tâm dữ liệu và kho lạnh là sản phẩm ngách dòng vốn ngoại dự kiến đổ bộ.
"Hiện bên bán có sự quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A do những hạn chế về tín dụng, khó tiếp cận các khoản vay. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản xung quanh quá trình phê duyệt quy hoạch và khả năng ra mắt các dự án mới, đặc biệt là các dự án khu dân cư. Vì vậy sẽ có nhiều người bán hơn với muốn huy động vốn thông qua bán tài sản", ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thông tin.
Theo đánh giá từ các đơn vị tư vấn, hiện tâm lý nhà đầu tư tương đối thận trọng trước khi một giao dịch được đóng. Do đó, một số thương vụ có giá trị lớn có thể mất từ 8 - 10 tháng mới đưa ra kết quả cuối cùng. Thời điểm này, các nhà bán cần có sự linh hoạt và chủ động hoàn thiện pháp lý trước khi bắt tay nhập cuộc M&A.
"Điều khó bây giờ là khó khăn về pháp lý. Để tìm được mục tiêu phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro từ nhà đầu tư, người mua trong giai đoạn hiện nay là tương đối khó khăn. Hơn nữa vấn đề khó hơn đó là định giá, hiện một số dự án bất động vẫn còn có mức định giá tương đối cao", ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, nhận định.
Do đó, các thương vụ sẽ có độ trễ để bên mua, bên bán thương lượng và đưa ra mức giá phù hợp, khi đó mới ghi nhận các giao dịch được chốt. Dự kiến từ giữa năm nay, đặc biệt là năm 2024, thị trường sẽ bùng nổ các thương vụ tỷ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!