Ngoài thị trường lớn Trung Quốc, theo đánh giá, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả Việt Nam tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu cũng rất lớn. Thế nhưng rau quả Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó, còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.
Hiện, các nhà máy đang tăng tốc chế biến để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào các tháng cuối năm. Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả nhiều khả năng sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Ở nhóm hàng nông sản có giá trị cao hơn như cà phê, hạt điều…, quý 4 là thời điểm "vàng" để các nhà máy tăng tốc bởi có rất lễ hội và nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Để tận dụng tốt cơ hội này, các nhà máy sớm có chiến lược mới về sản phẩm và thị trường.
Ông Phan Hùng Anh, Tổng Giám đốc Quang Minh Group, cho biết: "Chúng tôi tập trung đi vào châu Âu và Nhật thị trường rất tiềm năng. Sản phẩm cà phê chất lượng cao đáp ứng trúng nhu cầu của khách hàng khó tính".
Ông Phùng Văn Saam, Chủ tịch HĐQT Hanfimex Group, nói: "Ở Mỹ và châu Âu họ ăn nông sản dạng hạt như Việt Nam ăn gạo nên dư địa thị trường rất tốt. Do đó, mình cần chú trọng vào chất lượng thật tốt".
Lần đầu tiên, chỉ 8 tháng, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng cao hơn kim ngạch cả năm 2022. Đặc biệt, hầu hết các nhà máy có sự chuẩn bị bài bản, liên kết chuỗi sản xuất an toàn, chất lượng,.. đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Đây là cú huých quan trọng giúp ngành hàng này bứt phá trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!