Tại Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.
Số tiền yêu cầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại người và tài sản do bão Yagi gây ra hiện ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục tăng mạnh. Ông Nhãn (Thành viên HĐQT Công ty Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải) cho biết, xưởng nước mắm có tuổi đời gần bằng cả cuộc đời ông. Hơn 60 năm, lần đầu tiên ông chịu tổn thất lớn đến như vậy khi 42.000m2 nhà xưởng không nơi nào nguyên vẹn sau cơn bão số 3.
Hàng trăm bể nước mắm bị bão hất tung mái che, nước mưa ngấm vào toàn bộ nguyên liệu. Hơn 1.000 tấn cá vừa ủ muối, giờ cũng chỉ trông chờ vào trời thương. Nỗi lòng ông Nhãn mặn chát hơn muối.
Theo giám định bảo hiểm, xưởng ông Nhãn sẽ nhận bồi thường khoảng 7 tỷ đồng, có thể tạm ứng tiền mặt trước tới 90% và hoàn chứng từ sau để giảm bớt gánh nặng giấy tờ trong lúc bộn bề sau bão.
Các công ty bảo hiểm cho biết hiện đã thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp huy động tối đa quân số giám định viên, thậm chí điều động từ miền Nam ra Bắc để nhanh chóng tiếp nhận và xác định thiệt hại.
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: "Các doanh nghiệp phải tiếp tục xác định tiếp cận xác định thiệt hại và tạm ứng về bồi thường giải quyết cho người tham gia bảo hiểm".
Trong trường hợp cấp bách, người dân và doanh nghiệp được khuyến cao nên ghi lại bằng chứng dưới sự chứng kiến của cán bộ phường, xã, tổ chức đoàn thể, người làm chứng khác, càng chi tiết càng giúp quá trình xác định tổn thất thuận tiện hơn, qua đó hỗ trợ quá trình bồi thường nhanh, gọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!