Khoảng 60 thị trường đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, chiếm khoảng trên 60% kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Để hiện thực hóa lợi thế này, việc cải cách thủ tục hành chính đang được đẩy mạnh. Cụ thể như với thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là cơ sở để hưởng các ưu đãi thương mại.
Với số lượng hồ sơ chứng nhận xuất xứ (C/O) rất lớn lên đến 7.000 hồ sơ mỗi ngày, việc thành công cấp hoàn toàn C/O điện tử 2 chiều cho 14 mẫu giữa Việt Nam và các nước bạn là nỗ lực không nhỏ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Với một chứng nhận xuất xứ C/O, nếu thực hiện thủ tục trên giấy, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mất từ một ngày tại Việt Nam và khoảng 3-5 ngày chuyển giấy tờ đi nước ngoài. Với C/O điện tử, thời gian rút ngắn chỉ còn 2 giờ và đối tác có thể nhận được.
Với C/O điện tử, thời gian rút ngắn chỉ còn 2 giờ và đối tác có thể nhận được
Mỗi tháng thực hiện khoảng 100 lần xin cấp C/O, từ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến này, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nguồn lực không nhỏ.
Bà Trần Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận vận tải APS cho biết: "Việt Nam làm xong form, bên nước ngoài đồng thời họ có thể thông qua được luôn, không cần chúng tôi gửi bản gốc từ Việt Nam sang. Việc này giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chi phí vận chuyển cho khách hàng".
Cấp C/O là dịch vụ công có số lượng hồ sơ lớn nhất. Do đó, Bộ Công Thương lựa chọn triển khai thực hiện trực tuyến trước tiên để doanh nghiệp được thụ hưởng sớm nhất, từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây cũng là thủ tục liên tục được cải thiện, từ 3 mẫu năm ngoái đã nhanh chóng tăng lên trong năm nay.
Ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ Số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định: "Hải quan các nước đối tác có thể kiểm tra kết quả này thông qua hệ thống QR code. Đến thời điểm này đã có 14 form C/O doanh nghiệp không cần phải đến nhận kết quả".
Các đối tác thương mại tin tưởng những tháo gỡ về thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương giữa các đối tác.
"Thời gian, thủ tục cấp C/O là có thể dễ tiếp cận những doanh nghiệp vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu để có thể áp dụng thuế suất nhập khẩu bởi hiệp định thương mại tự do của hai nước chúng ta" - ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu ý kiến.
Hiện chỉ còn 4 mẫu C/O thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ vẫn phải đến các phòng quản lý xuất nhập khẩu tại khu vực để ký và đóng dấu. Do đó, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ chủ động đàm phán với một số thị trường như Campuchia và Liên minh kinh tế Á - Âu để có thể thực hiện điện tử các mẫu C/O còn lại.
Tăng cường các thủ tục hành chính thực hiện trên nền tảng điện tử là phương hướng hiệu quả cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Không chỉ tăng cường về số lượng các dịch vụ công điện tử, việc nâng cấp chất lượng dịch vụ công điện tử cũng là mục tiêu mà nhiều bộ ngành hướng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!