Dễ dãi trong giao dịch, người tiêu dùng thua thiệt

Diệu Trang-Thứ bảy, ngày 16/03/2013 07:51 GMT+7

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

 Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có riêng đạo luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên tới thời điểm này, không phải đạo luật chưa phát huy tác dụng, mà do sự dễ dãi của người tiêu dùng.

2 năm với hơn 20 lá đơn kiện được gửi đi khắp nơi, nghĩa là trung bình 2 tuần một lá, nhưng đến giờ này ông Vũ Văn Vinh, phố Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, Hà Nội vẫn chưa đòi lại được số tiền 20 triệu đồng trót đặt cọc cho một món đồ mộc sẽ không bao giờ thành hình do sự bất tín của một cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh, dù đã có phán quyết của Sở Công thương Bắc Ninh từ tháng 3 năm ngoái.

Một cái tủ gỗ mà phải đơn thư tới tận Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ… Nỗi truân chuyên này, ngoài việc doanh nghiệp chây ỳ không chịu trả lại tiền thì theo ông Vinh, còn có lý do khác. “Các cơ quan chức năng chưa nhiệt tình làm hết. Nguyên nhân thứ hai là có thể tại thời buổi hiện nay, khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra thì cần phải có một lực lượng để thi hành, nhưng lại đang thiếu”.

Còn một lý do nữa ông Vinh không thừa nhận, nhưng cũng không thể phủ nhận là khi đặt cọc số tiền 20 triệu đồng, vợ chồng ông đã dễ dãi trong việc thực hiện giao dịch. Trên hóa đơn không mô tả rõ chi tiết sản phẩm yêu cầu. Dù cẩn thận vẽ tay cả một bản mẫu tủ gỗ đưa cho chủ cửa hàng, nhưng trên mẫu không có chữ ký hai bên cùng xác thực thì cũng chẳng có nghĩa lý gì khi sau này chủ doanh nghiệp gỗ đưa ra một sản phẩm hoàn toàn khác mà cứ khăng khăng đây là mẫu ông Vinh đưa, để đến nỗi sự việc lâm vào chỗ bế tắc.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, chính sự dễ dãi, tin người và thiếu hiểu biết về cơ sở pháp luật của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang là nguyên nhân cơ bản khiến họ bị thiệt thòi khi nảy sinh tranh chấp.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, ở các vụ khiếu nại thời điểm này, trong khi nguyên nhân từ sự vô trách nhiệm của các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20-30%, thì nguyên nhân từ việc thiếu chuẩn hóa trong giao dịch ban đầu của người tiêu dùng ước tính chiếm tới 50%.

Giữa bộn bề tài liệu và hồ sơ của vụ khiếu kiện 20 triệu đồng không biết khi nào chấm dứt, ông Vinh giờ đang dành nhiều thời gian để nghiên cứu rất kỹ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn ai hết ông hiểu rằng, để có được quyền, người tiêu dùng trước hết cần có trách nhiệm đúng mức với các giao dịch của mình.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước